Monday, May 31, 2010

“Quyết không bán rẻ tài nguyên cho nước ngoài”

Có tài nguyên không thể không khai thác. Nhưng không vội, không vơ vét, vì còn phải dành cho con cháu mai sau, và vì phải có đủ thời gian để học làm chủ công nghệ. Nhất quyết không bán rẻ tài nguyên cho nước ngoài.

Lời nguyền tài nguyên là cách nói chua chát nhằm vào những quốc gia sa đà vào đào bới của cải dưới lòng đất hòng tạo ra bước đột phá về kinh tế. Nó đã trở thành đề tài được giới học giả thảo luận sôi nổi trong nhiều thập kỷ gần đây.

Tại sao Sudan và một số nước Tây Phi giàu dầu mỏ, kim cương mà các chỉ tiêu về mức sống, giáo dục, tuổi thọ… lại thuộc loại thấp nhất thế giới? Tại sao Arập Saudi xuất khẩu dầu mỏ nhiều nhất thế giới lại có đến 17% người dân thất học? Tại sao nội chiến triền miên luôn gieo lên đầu những người dân châu Phi khốn khó, trong khi chính họ mới là chủ nhân đích thực các kho báu ẩn giấu dưới lòng đất? Ỷ lại vào tài nguyên thiên nhiên chẳng những sẽ thất bại mà càng lún sâu vào tụt hậu.

Lời nguyền tài nguyên – bức tranh hiện hữu trên thế giới

Nhìn ra thế giới trong vài thập kỷ gần đây, có mấy nước nhờ đào bới tài nguyên thiên nhiên mà nhanh chóng bứt phá lên phía trước. Ngược lại, có khi chính vì thiếu than đá, dầu mỏ, quặng sắt…, mà một số nước Đông Á lại hoá rồng. J. Sachs, A. Garner và một số học giả khác qua phân tích ngót 100 nền kinh tế trên thế giới trong hai thập kỷ 1970 – 1980 đã chứng minh rằng những nước có tỷ trọng xuất khẩu tài nguyên trong GDP cao thường có xu hướng tăng trưởng chậm, không đầu tư đúng mức cho giáo dục khiến có ít trẻ em được cắp sách đến trường.

Công trường khai thác mỏ than ở Quảng Ninh. Ảnh: VNN

Thực chất, đằng sau nghịch lý nói trên là những hậu quả nặng nề cho đất nước khi tài nguyên thiên nhiên bị lạm dụng bởi những nhóm lợi ích trong một đất nước thiếu tri thức khoa học – công nghệ lại có thể chế yếu kém và thiếu minh bạch. Sự giàu có quá dễ dàng của họ chính là nguồn gốc gây ra tham nhũng, tình trạng tù mù trong hệ thống nhà nước, gia tăng phân hoá giàu nghèo, tàn phá môi trường, sự tụt hậu về giáo dục – khoa học – công nghệ, cả nội chiến và bất ổn chính trị…

Ngày nay trong bối cảnh hội nhập và khủng hoảng năng lượng toàn cầu, bản đồ quyền lực thế giới đã được vẽ lại. Một số nước cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên lại nắm được tri thức khai thác, chế biến chúng, có lực lượng khoa học – công nghệ hùng hậu trong nhiều lãnh vực. Trong khi đó, nhiều nước khác có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú lại yếu kém cả về tri thức lẫn thể chế, không làm chủ được nguồn tài nguyên của mình. Họ dễ bị chinh phục, không phải bởi pháo hạm như ngày xưa, mà bởi các tấm séc ngân hàng. Chính đồng tiền do bán rẻ tài nguyên thiên nhiên đã mang lại bất công và khổ đau cho đa số người dân, mất độc lập tự chủ cho đất nước.

Các nước phát triển cũng không khỏi lao đao nếu không chú ý đến mặt trái do những nguồn tài nguyên mới khám phá mang lại. Căn bệnh Hà Lan (Dutch disease) phản ánh tình trạng khủng hoảng ở Hà Lan và Anh vào những năm 1970, khi những mỏ khí và dầu trữ lượng lớn được phát hiện ở Biển Bắc. Nguồn thu từ dầu khí đã làm lệch cơ cấu kinh tế và tăng giá trị thực đồng nội tệ. Cuối những năm 1970, từ chỗ nhập khẩu dầu mỏ, cỗ xe kinh tế đồ sộ Anh quốc bỗng thừa dầu để xuất khẩu. Đồng bảng tăng giá trị thực, xuất khẩu hàng chế biến đình đốn, công nhân đình công đòi tăng lương, kinh tế rơi vào suy thoái.

Làm chủ bất cứ một công nghệ khai thác, chế biến tài nguyên nào cho đến những nấc thang giá trị gia tăng tột cùng, chính là chỗ khác nhau cơ bản giữa những nước tránh được và không tránh được lời nguyền tài nguyên.

Song cũng có nhiều nước thành công nhờ phát triển theo con đường khác. Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Chile, Malaysia… rất giàu tài nguyên, dẫn đầu thế giới về sản lượng than, đồng, chì, thiếc, vàng, đất hiếm… nhưng những nguồn lợi ấy chỉ góp phần nhỏ trong GDP vì họ tăng trưởng nhờ phát triển nhiều ngành công nghiệp khác. Ở Iran, tuy dầu mỏ đóng góp đến 38% GDP, nhưng họ biết sử dụng nguồn lợi ấy để ra sức phát triển khoa học – công nghệ, trong đó có nhiều công nghệ mũi nhọn, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

Lời nguyền tài nguyên không phải là quy luật tất định, càng không phải định mệnh, đối với những nước giàu tài nguyên. Song với tư cách là một quy luật thống kê, nó đủ độ tin cậy để cảnh báo mọi người chớ đi theo vết xe đổ của một số nước, đừng hoạch định chính sách phát triển quốc gia bằng cách trông chờ vào các kho báu còn ẩn giấu đâu đó dưới lòng đất. Brazil, nước đông dân thứ năm trên thế giới, mới đây đã phát hiện mỏ dầu cực lớn trên thềm lục địa. Thay vì hoan hỉ, Tổng thống Lula da Silva đã lôi đích danh bóng ma lời nguyền tài nguyên ra để cảnh báo dân chúng: “Đừng để xảy ra lời nguyền tài nguyên như ở nhiều quốc gia dầu mỏ khác. Nguồn lợi này sẽ phải được dùng để phát triển giáo dục, khoa học công nghệ và xoá đói giảm nghèo… Chúng ta không nên trở thành một nước xuất khẩu dầu thô đơn thuần, mà phải ra sức xây dựng một ngành công nghiệp hoá dầu hùng mạnh…”

Làm chủ KHCN – tiêu chí đích thực để tránh được lời nguyền tài nguyên

Làm chủ công nghệ hoá dầu, hay bất cứ một công nghệ khai thác, chế biến tài nguyên nào khác cho đến những nấc thang giá trị gia tăng tột cùng, chính là chỗ khác nhau cơ bản giữa những nước tránh được và không tránh được lời nguyền tài nguyên. Những nghiên cứu về nguyên nhân dẫn đến lời nguyền tài nguyên thường chỉ ra sự mất cân đối trong cơ cấu kinh tế (căn bệnh Hà Lan), sự yếu kém về thể chế (dân chủ, minh bạch, phân bố lợi tức), quản lý nhà nước và luật pháp… Nhưng hầu như ít ai nhắc đến yếu tố làm chủ công nghệ.

Để làm rõ hơn vai trò của yếu tố khoa học – công nghệ, chúng tôi đã xem xét mối tương quan giữa nguồn lợi thu được từ dầu mỏ với năng lực khoa học – công nghệ dựa trên số công trình khoa học công bố trên quốc tế từ 30 nước đang phát triển có sản lượng dầu thô cao hơn Việt Nam, 300.000 thùng/ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy có hai nhóm nước “đối lập” nhau, những nước còn lại nằm xen vào giữa hai nhóm này. Ở một cực, điển hình là Kuwait, Arập Saudi, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Angola, thu lợi từ dầu mỏ rất lớn, chiếm 65 – 80% GDP, nhưng sản sinh ra rất ít công trình khoa học tính trên GDP.

Phía bên kia là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Argentina với nguồn thu từ dầu mỏ chỉ chiếm 2 – 4% GDP nhưng số công trình tính trên GDP cao hơn gấp bội. Các nước này không ỷ lại vào tài nguyên thiên nhiên mà phát triển nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ khác nhờ làm chủ được KHCN. Trong số các nước xen vào giữa hai nhóm trên, đáng chú ý nhất là Iran, thu nhập từ dầu mỏ chiếm đến 38% GDP, nhưng nền khoa học – công nghệ của họ mạnh hơn hẳn các nước Hồi giáo vùng Vịnh thuộc cực thứ nhất.

Việt Nam liệu có tránh được?

Nước ta giàu tài nguyên khoáng sản đến mức nào? Về việc này có lẽ nên nhắc lại một phát biểu dựa trên khoa học địa chất và ý tưởng thống kê của A. P. Aleksandrov, nguyên chủ tịch viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, theo đó trữ lượng khoáng sản của một nước nói chung tỷ lệ thuận với diện tích của nước ấy.

Chả thế mà Nga, Trung Quốc, Mỹ, Canada, Ấn Độ, Australia, Brazil… luôn dẫn đầu thế giới về sản lượng hầu hết các loại khoáng sản. Nước ta đất chật người đông, cho dù thượng đế có ưu ái cũng không thể hoá phép để biến một nước có diện tích thứ 65 trên thế giới (dân số thứ 13) trở thành cường quốc về tài nguyên thiên nhiên. Gần đây, bauxite Tây Nguyên và cát đen chứa titan dọc theo ven biển miền Trung được xem như một lợi thế tài nguyên lớn của đất nước. Song nhiều chuyên gia địa chất lâu năm lại tỏ ra dè dặt về những con số trữ lượng dường như được thổi phồng, thậm chí họ còn nhắc nhở thêm: cái mà thế giới cần, ta không có, còn cái ta có, thế giới lại không cần, hoặc họ có nhiều hơn.

Trên thực tế, hai mặt hàng khoáng sản lớn nhất của Việt Nam là dầu và than đá, dầu mỏ đứng thứ 36 trên thế giới (hơn 300 ngàn thùng/ngày), than đá thứ 17 (41 triệu tấn). Xem ra, chúng ta không nằm ngoài quy luật thống kê vừa nói trên. Năm 2008, xuất khẩu khoáng sản của ta chỉ chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 80% là dầu thô, 10% than đá, và các khoáng sản khác chỉ chiếm 10%.

Khai thác than thổ phỉ. Ảnh VNN

Có tài nguyên dồi dào mới chỉ là tiền đề, xử lý chúng thế nào mới là chuyện quyết định. Liệu việc đào bới cát đen trong mấy chục năm qua đã sinh lợi cho ai, và nguồn lợi mà Chính phủ thu được có thấm thía gì nếu muốn khôi phục lại vùng ven biển miền Trung đã bị tàn phá hay không?

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng bauxite do TKV trình và được Chính phủ phê duyệt tháng 11.2007, đã toát lên một tinh thần khẩn trương, chạy đua với thời gian để năm 2015 đạt 6 – 8,5 triệu tấn alumina, và tăng tốc mạnh hơn nữa đến 15 triệu tấn vào năm 2025. Ngay đến Trung Quốc, nước hàng đầu thế giới cả về alumina lẫn aluminium (nhôm), với tập đoàn Chalco hùng mạnh, khai thác khoáng sản khắp nơi trên thế giới, cũng chỉ sản xuất hơn 8 triệu tấn alumina hàng năm. Trớ trêu hơn, toàn bộ sản lượng khổng lồ ấy của ta lại phải xuất sang Trung Quốc, nước vừa cung cấp công nghệ vừa bao tiêu sản phẩm cho hai nhà máy đầu tiên, Tân Rai và Nhân Cơ, và chắc chắn sẽ tiếp tục làm như thế cho các nhà máy sau. Trong khi đề xuất một kế hoạch quá mạo hiểm như vậy, lại không hề nói rõ bao giờ ta mới nội địa hoá và làm chủ được công nghệ chế biến alumina, một công nghệ quá cổ điển, đã có từ cuối thế kỷ 19.

Chúng ta đã có quá nhiều bài học thất bại về làm chủ công nghệ. Sau hàng chục năm xây dựng công nghiệp ôtô, mức độ nội địa hoá chỉ quanh quẩn 4 – 5%. Với 100 đôla xuất được từ hàng may mặc ta phải nhập khẩu thiết bị, nguyên vật liệu đến 80 đôla ngay từ các nước láng giềng. Năm nay Việt Nam mới bắt đầu có sản phẩm lọc dầu nội địa, chậm hơn Thái Lan và Malaysia đến vài chục năm. Song có nhà máy lọc dầu không đồng nghĩa với làm chủ công nghệ hoá dầu. Tình trạng chậm tiến độ do trục trặc kỹ thuật tại nhà máy Dung Quất gần đây cho thấy làm chủ công nghệ, ngay chỉ ở mức độ vận hành suôn sẻ những công nghệ nhập từ nước ngoài, vẫn còn lắm gian nan.

Tại sao người Việt Nam không bước lên được quỹ đạo mà người Hàn Quốc đã ung dung trên đó từ cách đây bốn thập kỷ?

Hàng trăm đề tài được nghiệm thu xuất sắc về chế biến quặng ilmenit để tạo ra bột TiO2, zircon… , vẫn nằm trong ngăn kéo. Trong khi đó, qua chuyến khảo sát gần đây tại Bình Thuận, nơi dự kiến có lượng ilmenit và zircon đến hơn 6 triệu tấn, chúng tôi được xác nhận rằng cách có lời nhất là bán ilmenit sơ chế thô (qua khâu tuyển trọng lực) cho Trung Quốc, rồi mua lại của họ các thành phẩm chế biến tiếp theo.

Cần phải nhận dạng cho đúng tại sao chúng ta thất bại, không làm chủ được công nghệ trong rất nhiều ngành công nghiệp. Việc này sẽ giúp chúng ta đi dúng quỹ đạo công nghiệp hoá – hiện đại hoá, để không sa lầy vào cái “bẫy thu nhập trung bình”. Nhưng cho dù có những thất bại vừa qua, chúng ta không được phép hạ cái khẩu hiệu “khoa học – công nghệ là then chốt” xuống trong khi rất cần trưng nó lên để hoạch định một ngành công nghiệp hướng đến thương hiệu quốc gia dựa trên lợi thế tài nguyên thiên nhiên của mình.

***

Có tài nguyên không thể không khai thác. Nhưng không vội, không vơ vét, vì còn phải dành cho con cháu mai sau, và vì phải có đủ thời gian để học làm chủ công nghệ. Nhất quyết không bán rẻ tài nguyên cho nước ngoài. Cát đen không những chỉ chứa TiO2, monaxit, đất hiếm mà trong đó còn có zircon, từ đó làm ra hợp kim zircaloy cho vỏ thanh nhiên liệu trong nhà máy điện hạt nhân, còn có thorium, nguồn nhiên liệu tương lai có thể thay thế cho uranium đang cạn dần. Vậy tại sao phải ra sức đào bới các đụn cát xinh xắn mà thượng đế đã dày công vun đắp để chắn sóng, che gió, để từ nước mưa chắt lọc ra những mạch nước mội ngay sát bờ biển… rồi đem cát đen ấy bán vội cho nước ngoài? Như thế đâu phải là công nghiệp hoá – hiện đại hoá!

Có người phản biện: “Các nước ngày nay giàu có chính là nhờ vơ vét tài nguyên để công nghiệp hoá trong hàng trăm năm qua, có còn gì dành lại cho con cháu họ đâu?” Xin thưa, ít ra họ cũng còn truyền lại khối tri thức khoa học – công nghệ khổng lồ làm của hồi môn cho con cháu.

Tác giả: PHẠM DUY HIỂN – THEO TBKTSG

Sunday, May 23, 2010

Con nhà nghèo

Con nhà nghèo

TT - Cõng mỗi ngày được 2.000 viên gạch, cậu bé 10 tuổi Đinh Văn Hậu Em đem về cho mẹ được 20.000 đồng. Phóng sự ảnh này là câu chuyện về một cậu bé con nhà nghèo, ngoài giờ đi học phải lao động để phụ vào kinh tế gia đình.

Cậu bé Đinh Văn Hậu Em cõng gạch mưu sinh - Ảnh: QUANG VINH

Một ngày của tháng 5 oi bức, tôi đến xóm gạch ở ấp Mỹ Thạnh, xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới (An Giang) và thấy một cậu bé thoăn thoắt chân cùng những người lớn khác nhọc nhằn cõng gạch. Cậu bé tên Đinh Văn Hậu Em, 10 tuổi, đang sống cùng cha mẹ và hai người anh trong một gian nhà nhỏ của chủ cho tá túc trong khu lò gạch. Gia đình này đã sống như thế được bảy năm rồi.

Hậu Em chỉ khác người lớn ở chỗ mỗi lần cõng 24 viên gạch, còn người lớn 60 viên

Tác giả: QUANG VINH

Buông chồng gạch trên lưng xuống, Hậu Em đưa hai ngón tay lên nói với chúng tôi: “Mỗi ngày con cõng được 2.000 viên gạch, mỗi lần cõng 20-40 viên (mỗi viên nặng chừng 0,8kg - PV). Con đem về cho má hơn 20.000 đồng mỗi ngày. Mấy tháng trước trong lúc cõng gạch, con bị trượt chân té xuống cầu, đầu đập vào gạch, máu chảy xót mắt lắm, còn cái sẹo bên thái dương nè”!

Sau khi cõng gạch xong, Hậu Em cùng gia đình ăn bữa cơm trưa đạm bạc. Và vội mấy chén cơm, Hậu Em trở về tuổi thơ bình thường: mặc bộ đồng phục học sinh quần xanh áo trắng, thắt khăn quàng đỏ và xách cặp đến trường.

Hậu Em học lớp 3D Trường tiểu học B Nhơn Mỹ. Cô Hồng Nhung, chủ nhiệm lớp 3D, cho biết trong lớp của cô còn có hai em khác cũng đi cõng gạch phụ giúp gia đình. Nhưng, nếu hai bạn kia ngày nào vào lớp cũng mệt mỏi ngủ gật, thì Hậu Em rất siêng năng, tỉnh táo. Không chỉ học khá, đi học đều, Hậu Em còn thường xuyên giúp đỡ các bạn.

Tiếng trống trường vang lên. Hậu Em và bao bạn khác ùa ra như một đàn ong vỡ tổ, tung tăng vui đùa.

Thật đáng thương cho phận con nhà nghèo. Lẽ ra ở tuổi đó, đôi vai gầy guộc của Hậu Em không phải u sần những nốt chai vì cõng gạch.

Nhưng, cũng thật đáng nể con nhà nghèo. Khổ thế, vất vả thế nhưng vẫn đeo đuổi việc học.

Những bước chân rón rén trên cầu tạm chỉ là một cây gỗ bắc từ bờ xuống ghe. Đã có lần Hậu Em té vì cây cầu chông chênh này
Không chỉ cõng mà em còn xếp gạch chuẩn bị đưa vào lò để kiếm mỗi ngày 20.000 đồng
Những ngón tay trẻ thơ bấu chắc vào gạch để chuyển xuống ghe cho khách
Chuẩn bị đến trường như bao đứa trẻ khác
Ngồi cuối lớp, Hậu Em chăm chú theo dõi bài giảng của cô

Trẻ con vẫn cứ là trẻ con: Hậu Em cũng có những phút giây vui đùa với bạn bè trong xóm ngay trong lò gạch

Sau khi đi học về, Hậu Em gọt bí phụ mẹ chuẩn bị cơm chiều
Bữa cơm trưa của gia đình Hậu Em: nồi cơm trắng với một chén cá kho. Hôm ấy có khách là tôi, nên có thêm một đĩa dưa hấu!


http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/380058/Con-nha-ngheo.html

Saturday, May 22, 2010

NƯỚC VIỆT HẰNG TUẦN 6

Tuần này rất nóng. Nóng mọi lĩnh vực vì nhiều lý do. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để tổng kết sự kiện nước Việt tuần qua. Có lẽ phải bắt đầu từ những sự kiện chính trị để nói nỗi lòng mình?

Theo thông lệ cứ mỗi 5 hoặc 10 năm chúng ta có một kỳ lễ lớn. Ngày thành lập nước nhằm vào năm 1945. Ngày sinh cụ Hồ (xin lỗi tôi phải gọi bằng cụ vì cụ đáng để tôi gọi bằng ông, nếu tôi gọi bằng bác đâm ra tôi thất lễ khi nói về cụ) nhằm vào 1890. Ngày thống nhất đất nước nhằm vào 1975, etc... những con số 0 và số 5 cuối cùng rất tròn để cùng nhau thi đua làm những ngày lễ trọng đại cho đất nước. Làm lễ lớn là để nhắc cho cháu con ôn cố tri tân. Một điều rất tốt, không ai phủ nhận. Nhưng tôi vẫn băn khoăn nhiều lẽ. Lẽ đầu tiên là di chúc cụ Hồ, trước khi ra đi nếu tôi nhớ không nhầm cụ đã bỏ cả khoảng 5 năm để viết di chúc. Trong di chúc đoạn cuối nói về việc riêng cụ viết: "Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân". Như vậy với cách tổ chức linh đình 120 ngày sinh của cụ là chúng ta đã làm đúng theo gương sáng của Người chưa? Hay là khi chúng ta càng thần thánh hóa chúng ta càng rời xa Bác, như cái tiêu đề bài báo trên Tuần Việt Nam? Công lao cụ đối với đất nước và dân tộc Việt không ai có thể phủ nhận được. Đừng vì một mục tiêu nào đó của ngày hôm nay mà làm cụ không được yên lòng khi đã đi xa, trong khi dân mình và nước mình còn nhiều khó khăn lắm.

Về chuyện tổ chức 30/4 vừa qua cũng thế. Chúng ta cần xem lại có nên dùng từ tổ chức "ngày chiến thắng" thay bằng từ "ngày thống nhất" như cụ Hồ đã từng nói? Chúng ta đang kêu gọi hòa hợp dân tộc sau những nỗi đau của cuộc chiến kéo dài nhất lịch sử nhân loại, nhưng chúng ta lại dùng những từ ngữ để đào sâu khoảng cách giữa người với người. Tôi cho rằng khi chúng ta đổi danh xưng "Người Việt Nam ở nước ngoài" thay cho từ "Việt kiều" là chúng ta đã có một tư duy hòa hợp. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, chúng ta cần phải cẩn thận hơn, bao dung hơn và nhân bản hơn trong cách dùng từ và cách tổ chức những ngày lễ lớn để ngõ hầu người Việt đoàn kết hơn, xây dựng tổ quốc khổ đau và đầy nhục nhằn trong quá khứ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như cụ Hồ mong đợi. Vì không ai là người Việt từ chối đóng góp, xây dựng quê hương mình. Và chúng ta cũng cần xem lại những phí tổn lớn lao cho những ngày lễ vừa qua, có nên không khi dân mình, nước mình vẫn còn xếp hạng là nước nghèo trong thế giới thứ ba.

Chuyển sang kinh tế, tuần qua là tuần đặc biệt sôi động với nhiều sự kiện kinh tế sôi động. Buồn có, vui có. Nói chuyện vui trước để mọi người thấy đất nước mình không đến nỗi tệ. Sau một tháng tuyên bố cúp điện tăng dần ở TPHCM, chúa nhật tuần rồi mặc dù đã thông báo nơi tôi làm việc được cúp điện. Nhưng sáng chúa nhật ngày 16/5/2010 vừa rồi nhà đèn có điện thoại đến clinic của tôi đúng 7h AM thông báo là các cơ sở y tế và công nghiệp sẽ không còn cúp điện theo lịch cũ. Lịch cúp điện chỉ còn làm mỗi tháng 1 lần nếu có sự cố buộc phải thay đường dây tải điện. Và từ nay đến hết tháng này chỉ cúp điện vào ngày 30/5 trong 5h đồng hồ từ 7h AM đến 12h AM. Như vậy, đâu phải chúng ta thiếu điện phải không? Thế là ổn, chúc anh nhà đèn làm việc chu đáo với xã hội.

Xong chuyện vui, nói đến chuyện buồn. Buồn nhất mấy năm qua chứ không phải buồn chỉ trong tuần qua. Tuần qua do suy thoái kinh tế Hy Lạp làm châu Âu cũng nháo nhào. Các con buôn Wallstreet lũng đoạn giá vàng để bóp chết người chơi nhỏ lẻ. Điều ấy kéo theo châu Âu thắt lưng buộc bụng làm giá dầu thế giới giảm sâu. Theo hiểu biết của tôi từ đầu năm đến nay chưa bao giờ giá xăng dầu ở Việt Nam làm lỗ các doanh nghiệp. Vì như tháng 01/2010 theo hãng tin AP giá xăng của NYMEX(New York Mercantile Exchange) đưa ra cho người tiêu dùng nước Mỹ chỉ nằm trong khoảng 2.0211-2.737 USD/gallon. Và hôm nay giá dầu cao nhất ở California là 3.07USD/gallon. Cứ lấy giá cao nhất trong hoái đối là 19.100 đồng/USD và giá xăng $2.737/gallon thì giá xăng ở Mỹ cũng chỉ 13.829,8 đồng mỗi lít. Trong khi đó, tháng 01/2010 giá xăng của nước ta đột ngột tăng thêm 450 đồng đễ đạt giá 16.400 đồng một lít. Nước Mỹ có đời sống cao, giá cả đắt đỏ nhưng giá xăng thấp hơn ở ta vị chi 2.570 đồng mỗi lít so với Mỹ đã lãi rồi. Mỗi ngày, cả nước tiêu thụ trung bình 80 triệu lít. Bà con tính xem số tiền lời 205,6 tỷ đồng mỗi ngày đó đi về đâu từ tháng 01/2101 đến hôm nay? 205,6 tỷ tương đương mỗi ngày ngành xăng dầu lời hơn 11 triệu USD lãi thêm so với Mỹ đã lãi chỉ tính riêng bán xăng. Thế thì việc xây đường cao tốc Bắc Nam có là hơi hám gì khi chỉ tốn có 56 tỷ USD trong thời gian trong 10 năm hả bà con? Mà bà con lại la làng là Đường sắt cao tốc - ý tưởng của những người thích đùa? Các anh bên Cuốc hội cũng là một nhóm quan liêu, không nắm con số cụ thể, không hiểu biết cách điều hành kinh tế tài tình của nhà nước ta thời hiện đại, cứ la toáng lên như đỉa phải vôi. Cứ nhân lên 1 năm 365 ngày và cho 10 năm xem nhân dân Việt đóng góp cho nhà nước về số lãi xăng dầu là bao nhiêu? Có dư để xây đường sắt cao tốc Bắc Nam không? Tớ ủng hộ hết mình dự án này một cách thực tiễn như tớ tính. Viết tới đây chuyện buồn trở thành chuyện vui phải không bà con? Hehehe, khó vạn lần dân liệu cũng xong bén! Đó là tớ chưa nói chuyện xăng dầu đang rớt giá mà ta chưa hạ giá thì lãi biết bao nhiêu, nhưng bộ tài chính vẫn chưa giảm giá xăng mặc dù có lãi. Thấy chưa, lâu nay vẫn lỗ nhá. Huhuhu.
Bánh xe đôi ở phía sau bên phải, bên ngoài là một bánh xe mòn vẹt trơ bố chỉ gá vào nhưng không chạm đất. Thế thì nó có chịu được tải trọng khi có chở hàng?

Chuyện giao thông tuần qua lắm tai nạn ngoài mong đợi. Taxi lật xuống lề vì tài xế buồn ngủ. Xe container nổ lớp bốc cháy, etc... mặc dù đã áp dụng nghị định 34/2010 tăng phí phạt giao thông. Tớ chộp những tấm hình đắt giá trên đường đi làm để mách cho các anh cảnh sát giao thông chú ý mà chộp những tay lái lụa xe tải nhé.

Giáo dục tuần này nóng lên chuyện một thời là cái khiêng của ngài thượng thư ngành giáo dục. Thầy Đỗ Việt Khoa chứng minh hùng hồn cho chân lý muôn đời không bao giờ phai: "Đấu tranh - tránh đâu?". Nhưng điều làm tớ tỏ tường hơn là lệnh của Bộ trưởng Giáo Dục lại không bằng quyền của Sở giáo dục thủ đô nghìn năm văn vật. Thế thì tớ tin ai bây giờ hở bà con? Công cuộc chống tham nhũng đã đi được một phần ba đoạn đường rồi tắc tị. Huhuhu. Thôi thì ngậm bồ hoàn làm ngọt cho xong một kiếp người phải hông?

Câu chuyện mà tớ cho rằng khoa học nhất và đắt giá nhất trong tuần là báo PLTP đã có một bài điều tra về thủy điện liên quan đến hủy hoại môi sinh rất hay ho. Chưa có tờ báo nào làm được việc này theo hiểu biết của tớ khi bài báo tổng kết cứ làm ra một megawatt từ thủy điện thì sẽ tàn phá đến 16ha rừng! Hãy tính hằng ngàn công trình thủy điện từ Bắc chí Nam sẽ đưa con cháu chúng ta về đâu khi mùa khô không nước mà mùa mưa chỉ có lũ quét ra biển Đông? Có lẽ tương lai con cháu chúng ta sẽ theo mẹ Âu Cơ ra biển giống loài baba và rùa biển thôi. Sẵn các anh các chị đang họp Cuốc hội, mong các anh các chị bỏ vấn đề làm đường cao tốc Bắc Nam mà bàn qua chuyện thúc đẩy xây dựng Phong diện và Điện năng lượng mặt trời thì tốt hơn. Thủy điện làm chúng ta chết, còn nợ đường cao tốc đã có dân lo như tớ đã nói ở trên, không làm chết ai bao giờ. Nhưng hủy hoại môi sinh thì chết cả nút. Đặc biệt thời WTO, nếu chúng ta có như Hy Lạp hiện nay thì khối Asean và các nước không dám bỏ đâu mà lo. Hiệu ứng Domino không chừa một ai, hay đất nước nào khi chúng ta suy thoái. Các nước quanh vùng liệu hồn mà lo đấy nhá. Hehehe. Còn nếu dân không lo thì có đất mở rộng thủ đôđất dự án cao ngất trời lấy lãi mà lo. Dân không lo nổi thì đi vay, vay không được nhiều thì vay ít một, có gì đâu, phải hông? Đó là chưa tính tiền kiều hối, etc... Lo bò trắng răng à? Đúng là các anh các chị Cuốc hội còn quan liêu lắm lắm.

Vấn đề ngoại giao tuần này cũng khá là hay ho khi tuyên bố của ngài thượng thư bộ Ngoại sáng nay về vấn đề động loạn Thái Lan, vì theo thông tin ngài bận đi thị sát tình hình ở một chốn ăn chơi mới thành lập. Một công đôi việc, vừa được ăn chơi mà vừa chờ chuyện nước bạn ổn định tình hình rồi lên tiếng, đặng cả đôi đường. Hay lắm, đúng là "dĩ bất biến, ứng vạn biến" trong sách lược ngoại giao. Hoan hô anh thượng thư bộ Ngoại. Ngoại giao thế mới là ngoại giao, với đà này ta sẽ là số một Đông Nam Á trong vòng 1 thập niên tới. Bà con nên mừng.

Cuối cùng là y tế, cũng như tuần trước tớ chỉ nhắc nhở bà con cẩn thận với nhiễm siêu vi mùa nóng. Tới hôm nay Sài Gòn chỉ có một vài giọt mưa như nước đái thằn lằn. Nghe VTV thông báo ở Hà Nội đã có 2-3 trường hợp suy hô hấp vì một loại siêu vi nào đó, mà chưa tìm ra được nguyên nhân sau khi thử tất cả các xét nghiệm siêu vi đang hiện hành vẫn chưa tìm ra tung tích của nó. Các loại dịch tớ nhắc cho bà con tuần trước, nếu ai chưa đi tiêm ngừa thì nên đi. Vì có còn hơn không và vì sức khỏe quí hơn vàng như ông bà mình bảo.

Tiện đây tớ nhắc nhẹ các chú VTV khi lên chương trình chào buổi sáng là bộ mặt quốc gia. Các chú ăn mặt thì tốt rồi, chỉ có cái đầu tóc xịt keo làm từng nhóm tóc tua tủa thế này thì khó coi cho bộ mặt quốc gia lắm. Bộ hết người để đưa tin hay sao mà đưa người như hình tớ ghi lại như thế này hả các anh đài truyền hình trung ương?

Tuần này nóng, nhưng tớ chỉ tổng lại có thế bà con có buồn thì đừng trách tớ nhá.

Asia Clinic, 13h05' ngày 21/5/2010

http://bshohai.blogspot.com/2010/05/nuoc-viet-hang-tuan-6.html

Wednesday, May 19, 2010

Sự Hán hóa Biển Đông Nam Á: tình hình dầu sôi lửa bỏng

André Menras

«‘Sự kiên nhẫn’ đầy độ lượng của các nhà lãnh đạo VN» trước mọi hành động hung hãn côn đồ của ông anh Trung Quốc, một lời bình luận cho thấy «sự kiên nhẫn đầy độ lượng» của chính ông André Menras đối với Nhà nước Việt Nam mà không cứ gì ông, đại đa số trí thức và nhiều tầng lớp nhân dân đều lấy làm khó hiểu. Nhưng kiên nhẫn nào cũng có giới hạn. Ông sẽ nói tiếp những lời hết sức thẳng thắn và mà đau rát, như trong trái tim công dân Việt Nam của mình những giọt máu đang rỏ: «Từ lâu, họ đã bưng bít thông tin về cuộc xâm lược của Trung Quốc tại Biển Đông. Thậm chí họ đã đình chỉ các tờ báo, rút lại các bài viết, (RÚT THẺ NHÀ BÁO) của các phóng viên. Họ chưa bao giờ tuyên truyền rộng rãi trên toàn quốc tình hình các ngư dân đồng bào của họ đã bị bắt và bị cầm tù như thế nào! Họ đối xử với những người yêu nước đang phẫn nộ [trước mọi hành vi côn đồ] theo kiểu TQ và thường đồng hóa họ với «các thế lực phản động nước ngoài». Thậm chí họ còn kính cẩn làm ngơ trước những lá thư cảnh báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyền thoại trăm năm của nền độc lập VN, người bạn chiến đấu ngay từ buổi đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh… ».

Tuy nhiên, khi thấy có chút dấu hiệu về sự «cựa mình» khác trước của lãnh đạo Việt Nam thì ông chứa chan hy vọng. Ông kêu gọi ngay các cường quốc phương Tây hãy nhìn vào gương Hội nghị Munich mà tỉnh táo hiệp đồng cùng nhau chống lại mọi cuồng vọng của kẻ đang thi thố dã tâm bành trướng. Ông André Menras quả là một tâm hồn rất mực Việt Nam.

Bauxite Việt Nam

Phần đảo Hoàng Sa, Trường Sa theo đường lưỡi bò bỗng... thuộc vùng  biển của Trung Quốc. Photo courtesy of UNCLOS

Phần đảo Hoàng Sa, Trường Sa theo đường lưỡi bò bỗng... thuộc vùng biển của Trung Quốc. Photo courtesy of UNCLOS

Vùng biển có tên là Biển Trung Hoa mà người TQ gọi là Biển Nam, còn người VN thì gọi là Biển Đông đang trở thành điểm nóng trên hành tinh của chúng ta.Vùng «Địa Trung Hải» Đông Nam Á này bao gồm 10 quốc gia với hàng nghìn hòn đảo, trong đó có 200 đảo được tập trung thành 2 quần đảo là Hoàng Sa và Trường Sa.Vùng biển và đảo này có tầm quan trọng cực kỳ về mặt chiến lược và kinh tế: đây là lộ trình bắt buộc của tất cả các tàu chở dầu và các tàu vận chuyển nguyên vật liệu và các hàng hóa khác đi từ châu Âu, châu Phi, Trung Đông thông qua eo biển Malacca, hướng về TQ, Triều Tiên, Nhật Bản.Vùng biển này vừa là nguồn tài nguyên dồi dào về thủy sản, vừa là kho báu đầy hứa hẹn về trữ lượng dầu và khí đốt thiên nhiên. Hoàng Sa nằm ở phía Đông bờ biển miền Trung VN, đang là đối tượng tranh chấp về chủ quyền giữa VN và TQ. Trường Sa, nằm ở vị trí trung tâm, đang bị tranh chấp bởi 7 nước : Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Phi-lip-pin, Mã Lai, Bru-nây và In-đô-nê-xi-a.

Lịch sử, quyền lợi và sức mạnh

Nói về Hoàng Sa, trên phương diện lịch sử cũng như luật pháp quốc tế, chủ quyền chắc chắn thuộc về VN. Yêu sách mà TQ đưa ra không thể đứng vững trước xét xử của trọng tài quốc tế. Thế nhưng quần đảo này đã bị TQ nuốt chửng bằng sức mạnh quân sự. Đó là vào 2 thời kì: năm 1956, sau sự thất bại của thực dân Pháp và năm1974, khi Mỹ bắt đầu nhảy vào VN. Đối với quần đảo Trường Sa, tình hình có phức tạp hơn nhưng chủ quyền của VN trên một số lớn các hòn đảo cũng như trên các lãnh hải lân cận được xác lập một cách công bằng về mặt lịch sử cũng như về pháp lý. Những mâu thuẫn với các nước thành viên ASEAN có thể được giải quyết bằng cách thỏa thuận vì lợi ích lẫn nhau. Nhưng người «Anh Cả TQ» lại không muốn như vậy. Sau khi đột nhập vùng biển năm 1988, giết hại 74 thủy thủ VN, hải quân TQ đã không ngừng gặm nhấm các hòn đảo nhỏ.

Từ gặm nhấm đến nuốt chửng

Sau đó, TQ đi từ chính sách gặm nhấm đến nuốt chửng: ngăn cản các công ty dầu khí nước ngoài ký hơp đồng khai thác với các nước trong vùng, trong khu vực kinh tế độc quyền của họ; bắt bớ và cầm tù trong nhiều tuần các đoàn tàu đánh cá, tịch thu cá đánh bắt được cùng với thuyền chài, đánh đập dã man các ngư dân, trả tự do bằng cách đòi gia đình họ đưa tiền chuộc; đâm thủng và làm đắm các tàu thuyền, đơn phương ngăn cấm đánh cá – dĩ nhiên là chỉ đối với người VN – từ tháng 5 đến tháng 8 trong khu vực, viện cớ là khu vực sinh thái.

Trong suốt tháng 4, TQ đã phát động các cuộc diễn tâp hàng không với quy mô lớn ở Trường Sa với các thao tác như đổ bộ, thả lính nhảy dù, tập bắn súng. Về phương diện pháp lý, năm 2009 các nhà lãnh đạo TQ đã đưa ra yêu sách chính thức về chủ quyền «không thể tranh cãi» dựa trên sự ủy thác của Liên Hiệp Quốc về chủ quyền trên biển: 80% biển và toàn bộ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Như để cảnh cáo, họ vừa chuyển đến các nhà ngoại giao Mỹ thông điệp : «Biển phía Nam thực chất thuộc về quyền lợi cốt lõi của Trung quốc». Có nghĩa là nơi mà họ sẵn sàng tiến hành các hoạt động quân sự như đối với Tây Tạng hoặc Đài Loan. Đồng thời , TQ cũng từ chối mọi cuộc đàm phán rõ ràng, minh bạch (và đa phương). Họ đã từ chối thẳng thừng việc áp dụng luật quốc tế của LHQ năm 1982 về chủ quyền trên biển. Nói tóm lại, Trung Quốc tự cho mình đứng ngoài vòng pháp luật, và họ thật sự đã làm như vậy, theo đúng nghĩa đen của từ này.

Tình hình VN trước sự đối mặt với TQ

Sự thiếu hụt về cán cân thương mại giữa VN và TQ thật là khổng lồ.Hơn 50% các trao đổi thương mại quốc tế của VN được thực hiện với TQ. Hàng hóa TQ tràn ngập thị trường đã bóp nghẹt nền sản xuất và nghề thủ công của VN. Các dự án lớn về khai thác mỏ chủ yếu bị các nhà thầu TQ được Bắc Kinh hỗ trợ hết mình cuỗm mất. Trong lĩnh vực xây dựng cũng bị Hán hóa sâu sắc và nhân công không lành nghề của TQ bắt đầu định cư lâu dài. Hàng trăm ngàn hec-ta đất cũng bị đem cho các doanh nghiệp lâm nghiệp TQ thuê trong vòng 50 năm…Đôi khi cả trong những vùng chiến lược. Các tổ chức lobby (vận động hành lang-chạy cò) của TQ đã len lỏi vào trong cơ chế quyết định về chính sách một cách mạnh mẽ và có thế lực.

«Sự kiên nhẫn» đầy độ lượng của các nhà lãnh đạo VN

Trong tình hình báo động cao độ vì nền độc lập của đất nước, các nhà lãnh đạo VN ngày càng lâm vào thế kẹt giữa những sự câu thúc và tham vọng ngày càng quá đáng của anh láng giềng «thân thiết» với phản ứng bền bỉ, tự hào vì sự sống còn của dân tộc. Từ lâu, họ đã bưng bít thông tin về cuộc xâm lược của Trung Quốc tại Biển Đông. Thậm chí họ đã đình chỉ các tờ báo, rút lại các bài viết, (RÚT THẺ NHÀ BÁO) của các phóng viên. Họ chưa bao giờ tuyên truyền rộng rãi trên toàn quốc tình hình các ngư dân đồng bào của họ đã bị bắt và bị cầm tù như thế nào! Họ đối xử với những người yêu nước đang phẫn nộ [trước mọi hành vi côn đồ] theo kiểu TQ và thường đồng hóa họ với «các thế lực phản động nước ngoài». Thậm chí họ còn kính cẩn làm ngơ trước những lá thư cảnh báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyền thoại trăm năm của nền độc lập VN, người bạn chiến đấu ngay từ buổi đầu của chủ tịch Hồ Chí Minh…

Những dấu hiệu phản ứng « cứng rắn » của VN

Nhưng tình trạng không thể cứ kéo dài như thế mãi bởi sự nhục nhã đã trở thành quá lớn đối với một dân tộc có truyền thống yêu nước nồng nàn và một tính cách vô cùng mạnh mẽ. Thực trạng kinh tế của quốc gia cũng không thể nào tránh khỏi điều đó: tương lai của đất nước, dải đất mà đôi khi chiều rộng chưa đến 100 cây số nhưng lại có bờ biển dài hơn 3000 cây số, sẽ là một tương lai chết nếu như vùng biển bị cướp đoạt. Không ai có thể chối cãi rằng Đảng Cộng Sản VN có quyền đòi hỏi vinh quang trong quá khứ, nhưng ngày nay họ phải hết sức thận trọng để không phải trả giá cho sự nhục nhã của hiện tại và thảm kịch của tương lai.

Do đó, trước sự phô trương sức mạnh quân sự của Bắc Kinh, VN đã thành lập một vùng quân sự mới, vùng số 2, chịu trách nhiệm bảo vệ vùng biển và hải đảo từ miền Trung đến miền Nam đất nước, bảo vệ các dân chài, nhà cửa, dân cư. Họ đang thử trang bị vũ trang hiện đại : tàu khu trục,tàu tuần tra, máy bay thám thính, tên lửa, trực thăng… Sự quân sư hóa cần thiết để sống còn này làm cho nền kinh tế thêm trì trệ và kìm hãm mạnh mẽ sự phát triển của đất nước.

Sự căng thẳng dâng cao

Trước quyết định kháng chiến rõ ràng của VN, các nhà lãnh đạo TQ lồng lên vì tức giận.Trong hàng trăm trang internet chịu sự kìểm soát gắt gao của Bắc Kinh, chúng ta có thể đọc được bài báo ngày 29/4/2010 với tựa đề : «Trung Quốc phải sử dụng vũ lực quân sự để tấn công bọn Việt Nam lòng lang dạ sói». Tác giả còn đề cập đến quan hệ giữa 2 nước giống như quan hệ giữa «người nông dân và con rắn»… Có đọan còn viết rằng : «cuộc chiến tranh Trung – Việt năm 79 vẫn chưa đủ dạy cho Việt Nam một bài học tơi bời thì trong bài học lần này, chúng ta cần làm triệt để, để Việt Nam có được bài học nhớ đời và cũng là vì lợi ích lâu dài của Trung Quốc». Cũng trong ngày 29/4, Tr ên trang Web «Hoàn cầu thời báo» và «Ren Minh bao (tức là báo Nhân dân) », cơ quan ngôn luận Dảng Cộng Sản TQ, người ta tìm thấy một bài với lời tựa hung hồn: “Giải quyết vấn đề Biển Đông , then chốt là hành động”.

Sau khi giới thiệu TQ giống như một nạn nhân vô tội trong một vụ cướp bóc tài nguyên trong khu vực, bởi «một số nước», các tác giả đã nêu lên mối nguy hiểm : «… Nước Mỹ, dưới sự giúp đỡ của các nước đồng minh như Sin-ga-po và Phi-lip-pin đã tăng cường sự tồn tại quân sự tại Biển Đông… có kế hoạch trở lại vịnh Cam Ranh, nhằm tiến tới sát đường ráp ranh cận hải của ta». Họ thản nhiên đưa ra chiến lược lấn chiếm của TQ từ mọi phía.

Về phía Việt Nam, ngày 7/5 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội VN Nguyễn Phú Trọng, nhân vật số 4 trong Bộ chính trị của Đảng Cộng Sản VN đã kêu gọi hải quân «… sẵn sàng hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng khác nhằm đánh bại mọi cuộc tiến công trên hướng biển».Cũng trong buổi lễ hôm ấy, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, trong bài diễn văn của mình, đã nhắc lại «sứ mệnh lịch sử» của hải quân VN là «dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh».

Ngày 1/4/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, trong chuyến viếng thăm đảo Bạch Long Vĩ của VN, cách Hải Phòng 70 hải lý, đã tuyên bố rõ ràng, không còn gì rõ hơn được nữa : «Đối với biên giới, lãnh hải, chúng ta luôn muốn hòa bình hưũ nghị giữa hai dân tộc, giữa các dân tộc có biên giới với chúng ta… Làm việc này trên cơ sở thương lượng, trao đổi, vận động, thuyết phục… Không để bất cứ ai xâm lấn bờ cõi của mình, biển đảo của mình… Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng».

Cuối ngày 11/5, tại Hà Nội, nhân Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (mà TQ không phải là thành viên), bộ trưởng VN, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã tuyên bố rằng sự hiện đại hóa quân sự là chuyện bình thường, nhằm để bảo vệ đất nước tốt hơn và cũng để

«tạo sự răn đe». Răn đe: lần đầu tiên từ này được tuyên bố công khai bởi một vị lãnh đạo của VN. Nhưng răn đe ai? Chắc chắn không phải là các nước khác trong ASEAN.

Kết luận:

Mối đe dọa bùng nổ quân sự trong khu vực là có thật. Đó không phải là việc của các nước «nhỏ» ASEAN, bởi vì không ai trong số họ đe dọa TQ và họ cũng không hề quan tâm đến việc ấy. Dĩ nhiên càng không phải là VN. Tuy nhiên, có những giới hạn đối với các cuộc tấn công lấn chiếm gây ảnh hưởng đến sự sống còn của các nạn nhân. Chúng ta cũng có thể chờ xem phản ứng của các lực lượng có liên quan đến vấn đề an ninh trong khu vực.

Liệu rằng triều đại TQ hiện nay có dám coi thường quyền lợi của các dân tộc và luật pháp quốc tế bằng cách đem 1 tỉ 3 người TQ cùng với bom nguyên tử và các đòn trả đũa về kinh tế ra đe dọa hay không? Liệu TQ có thể khôi phục được quy luật cũ rích ngày xưa, quy luật chiến tranh của kẻ mạnh, với sự thông đồng của các bạn hàng quốc tế và các chính khách đại biểu hay không? Tuy nhiên, không ai trong số các nhà quan sát, các chuyên viên và các nhà phân tích lỗi lạc có thể nói rằng họ không hay biết điều đó bởi vì TQ đã tự lột mặt nạ của mình rồi!

Chẳng sớm thì muộn, càng không nói, càng lùi bước trong sự ích kỷ, tham lam và hèn nhát thì rồi đây chúng ta sẽ phải gánh chịu những thảm kịch đang xảy ra ở nơi khác mà chúng ta có thể ngăn chặn được. Munich(3) ở cách đây không xa và thế giới thì ngày càng nhỏ lại. Nếu chúng ta không hành động vì dân tộc VN và các dân tộc lân cận thì ít ra hãy hành động vì chính mình.

A.M.

Chú thích :

(1) Tác giả của bài báo về đề tài này – đã được phát hành trên báo l’ Humanité số ra ngày 14/5/2009 với tựa đề : «Việt Nam và Trung Quốc: ràng buộc hay trói buộc ?» – đồng thời cũng là tác giả tài liệu được đăng trong số 86 về các Nghiên cứu quốc tế, tháng 4- 6/2009 : «Lào, Cam-pu-chia và Việt Nam, những quân cờ đô-mi-nô đầu tiên của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc?»

(2) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á

(3) Munich: Thành phố của Đức, nơi mà vào năm

1938, các đại diện của Chính phủ Pháp và Anh đã bật đèn xanh cho Hitler tấn công Ba-lan và Sét-xlô-va –kia vì họ muốn tránh chiến tranh xảy ra ở nước họ. Chỉ hai năm sau, Hitler đã tuyên chiến với Anh và Pháp.

Bản tiếng Pháp của tác giả vừa đăng trên La Marseillaise. Bản tiếng Việt cũng do tác giả chuyển ngữ và gửi trực tiếp cho BVN.

http://www.boxitvn.net/bai/4186

Monday, May 17, 2010

Ôi, biển quê hương của tôi

Bắt đầu từ hôm nay, ngư dân quê tôi phải chịu cảnh chiều chiều ngồi trên bãi cát nhìn ra biển với ánh mắt xa xăm mà thầm ước muốn một điều thật giản dị, một thứ gì đó rất đỗi bình thường: hằng ngày được đánh bắt cá ngay trên vùng biển trước mặt mình đây.

Dù đi đâu chăng nữa, với mỗi người dân miền Trung chúng tôi cũng luôn nhớ và hướng về quê biển thân yêu, nơi có cách đồng, có con sông, có bãi biển cát trắng. Nhớ đến tính cách của mỗi người dân, dù bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ngày này qua ngày khác, nhưng vẫn không một lời ca than.

Nay không còn biển, không còn được lao động rồi thì sắp tới đây chén cơm trong mỗi gia đình sẽ còn lại những gì. Một đất nước của dân, do dân,vì dân nhưng bây giờ có lẽ không phải như thế!

Tôi không thể hiểu nổi những việc bắt giam ngư dân, thu tiền chuộc là một điều vô lý, dân ta phải cam chịu mà nhà chức trách thì im hơi lặng tiếng vì tình hữu nghị 16 chữ vàng. Điều gì đang diễn ra?

Tôi còn nhớ năm ngoái, chính phủ Triều Tiên bắt giam hai nhà báo vì tội xâm phạm lãnh thổ. Và cách ứng xử của người Mỹ tôi cho là rất hay, đích thân ông cựu Tổng thống Bill Clinton phải ra mặt ứng xử vụ này. Kết quả là hai nhà báo về nhà trong an toàn, vậy tại sao ta không có những cách ứng xử như vậy để cho ngư dân ta được nhờ, mà cứ mãi bị bắt, bị cướp một cách trắng trợn và cứ mãi chỉ dám gọi đấy là quân “lạ”.

Chiến thuật gì đây hởi quân Tàu?

Phải nói một điều rằng quân Tàu rất nhiều mưu kế, điển hình là họ có tam thập lục kế (36 kế) binh pháp Tôn Tử. Tôi tin là với cả các quốc gia Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng đang bị quân Tàu áp dụng binh pháp này để áp đảo, lấn chiếm.1000 năm trước ta đã bị xâm lược, vậy cớ gì mà bây giờ họ không làm, chiến thuật hồi xưa ngắn quá có thể không thành công nhưng nếu đầu tư với chiến thuật dài hơn sẽ thành thì sao? Mọi người điều thấy, vấn đề là ta phải làm gì bây giờ?

Ở đây tôi chỉ điểm ra hai chiến thuật điển hình, thứ nhất là các vụ thắng thầu của các công ty Trung Quốc từ Bauxite Tây Nguyên cho đến gần đây là thắng thầu dự án điện Vũng Áng. Sau các vụ này là một loạt các thiết bị, con người đổ bộ vào Việt Nam làm việc, đóng đô tại đó, rồi họ sẽ cho ra đời con cháu mang dòng máu của họ tại nơi đây, một kế tá thi hoàn hồn trong 36 kế.

Với biển Đông, từ lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm đang thực hiện thì coi như họ đã thành công nữa đường. Trước đây, nhà văn Phạm Viết Đào đã nói rằng nếu Trung Quốc đánh, khả năng Việt Nam sẽ thắng, đấy chỉ là phân tích quân lực một cách khách quan. Còn tôi, tôi tin là ta đã thua một nữa trong việc ra đối sách chiến lược để đáp trả. Bây giờ là thời buổi công nghệ thông tin, kinh tế thì họ dùng CNTT, kinh tế để đánh, không có ai lại đi dùng quân sự để đánh, đấy chỉ là sự phô diễn trấn áp, kiểu như hai con có lia thia trước khi đá nhau thì phải cho nó kình qua lại thôi.

Một chi tiết nữa mà ta thấy họ đã thắng, việc bản đồ in China trên vùng lãnh hải Việt Nam và hơn nữa tỉnh Lào Cai trên phần bản đồ Trung Quốc, điều nay tôi tin là có chủ quan của họ chứ không phải là sự nhầm lẫn nào cả ở đây.

Chính sách nào cho quân Tàu?

Thứ nhất, phải kêu gọi sự đoàn kết dân tộc trên khắp Việt Nam và thế giới. Muốn được vậy thì phải thông tin cho mọi tầng lớp nhân dân biết tình trạng hôm nay, những thực tế mà lâu nay không được truyền tải rộng rãi đến mỗi người dân, có thể làm cho nhân dân hiểu lầm.

Thứ hai, kiêu gọi sự hổ trợ và đồng lòng của các nước trong khối Asean mà ta là thành viên.

Thứ ba, tiếp tục lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại những nơi thuộc về ta với thế giới.

Điển hình, kêu gọi ký tên kiến nghị đổi tên vùng biển Nam Trung Hoa (South China Sea) thành tên biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea) là việc làm rất thiết thực, cần phải như vậy dù muộn. Mời mọi người bấm vào đây ký tên kiến nghị.

Chuyện chủ quyền và chuyện tế nhị

Bạn biết không, mới đây ở một tu viện cổ của nước Ý xa xăm, người ta đã phát hiện ra cuốn sách hơn sáu trăm trang Compendio di Geografia in năm 1850 trong đó có nhắc tới chủ quyền đất đai được in thật đậm, trang trọng không cách gì xoá được: quần đảo Hoàng Sa thuộc vương quốc An Nam. Điều này nói lên chủ quyền của Việt Nam không thể chối cải, phải thông tin cho thế giới biết về những điều này.

Trong một bài phỏng vấn Ông Dương Danh Dy, nhà ngoại giao có nhiều kinh nghiệm với Trung Quốc chia sẻ những cảm nhận của ông về vai trò của quốc hội, ông nói:

“Tôi xin nói thật không phải là tất cả người Việt đều không biết hết đâu. Thế nhưng với lòng yêu nước của mình mà mình thấy chưa cần phải nói. Đến lúc nào đó sẽ nói để có lợi hơn. Trách nhiệm của một công dân Việt Nam thì như thế thôi. Không phải các anh trong quốc hội các anh ấy không biết nhưng còn nhiều vấn đề tế nhị mà mình không biết được. Có thể người ta quan niệm chưa cần thiết phải làm như vậy. Mang tư duy tự do dân chủ phương Tây mà vào Việt Nam thì rất nhiều vấn đề không lý giải được đâu.”

Tôi chỉ đồng tình một nữa, đấy là mấy anh biết nhưng mấy anh không nói hay chưa cần phải nói. Còn vì chữ “tế nhị” hoài thì không ổn, khi đó dân ta chết đói hết sao. Anh là đại diện cho nhân dân, vậy tại sao anh để nhân dân chịu thiệt?

Dân miền Trung tôi có cái dỡ, ấy cũng là chuyện “tế nhị”, đi đến nhà ai chơi họ mời cơm vì tế nhị nên không ăn, (đợi họ mời lần hai, lần ba mới ăn) có khi trong bụng đói meo mà vẫn cười nói no rồi, không ăn. Đấy là cái dỡ, tại sao ta không tránh.

Vẩn biết rằng sự thật mất lòng, nhưng sự thật vẩn là sự thật. Hãy làm những việc cần làm.

© haydanhthoigian

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của riêng haydanhthoigian.

http://haydanhthoigian.wordpress.com/2010/05/17/oi-bi%E1%BB%83n-que-h%C6%B0%C6%A1ng-c%E1%BB%A7a-toi/

Sunday, May 16, 2010

77 ngày cam chịu. Nhưng nếu 365 ngày/ 1 năm, thì sao?

Câu chuyện buồn đẫm nước mắt của tôi (và rất nhiều người nữa) trong tuần vừa rồi là ngư dân Đặng Tằm và 11 thuyền viên (tàu cá Qng 0281) được phía Trung Quốc “thả”, sau khi phải nộp phạt 194 triệu đồng và bị cướp sạch mọi ngư cụ, cá vừa đánh bắt được và mọi phương tiện thông tin liên lạc…(!) Nghĩ mà đau mà xót cho người dân sống trong một nước mà Nhà nước ấy – định danh “của dân, do dân, vì dân” nhưng chẳng hề lo cho dân một mảy may nào, bắt nhân dân “tự lo” từ A tới Z, kể cả chuyện phủi tay khi mạng sống của dân bị đày đọa, dập vùi. Chuyện của anh Đặng Tằm được cộng hưởng thành nỗi đau có mũ N của cấp số nhân cay đắng là Trung Quốc lại ngang nhiên cấm ngư dân ta ra biển của ta, trời của ta – đánh cá từ 16.5 đến 1.8.2010 – cộng là 77 ngày. Ai cũng biết ngày 1.8 (Bát Nhất) là ngày thành lập Quân đội Trung Quốc – hàm ý và hàm nghĩa đó như một ngầm định buộc tất cả những kẻ nhát gan phải tắt đài. Chỉ tội ngư dân….

Nếu đất nước vì tình “hữu nghị” mà im lặng hoặc cứ điệp khúc “dê kêu” của bà Nguyễn Phương Nga cứ hát mãi hoài thì vận mệnh dân tộc này sẽ đi đến đâu? Hôm nay Trung Quốc cấm 77 ngày (năm ngoái hình như là 2 tháng), ta vẫn cứ im lặng để “bảo vệ tình hữu nghị của năm hữu nghị”; vậy thì, một vài năm nữa, họ ngang ngược cấm cả 365 ngày – Chính phủ sẽ tính sao và Đảng biện bạch thế nào? Khả năng ấy là có thực bởi mưa dầm thấm lâu, được đằng chân lân đằng đầu là nghệ thuật siêu phàm của các nhà lãnh đạo Trung Hoa. Hơn hai tháng rưỡi ta không có mặt trên ‘biển trời quê ta, rộn vang tiếng ca” thì khác gì ta đánh mất chủ quyền? Một vùng biển mà ngư dân của ta “không thèm” đến (thực ra là sợ quá, mất mát nhiều quá, chết và bị vùi dập nhiều quá nên không dám đến) thì chủ quyền “của họ” là cái lẽ đương nhiên. Vài năm nữa, người Trung Quốc nói rằng “Chúng tôi cấm và Việt Nam chấp nhận. Chứng tỏ đó là lãnh hải của Trung Quốc”, thì các quan chức thời nay sẽ ăn no rồi ú ớ thế nào? Tại sao không nghĩ chuyện đường dài? Tại sao để mặc cho ngư dân khốn khổ thế? Tại sao không huy động sức mạnh của toàn dân (kể cả hàng triệu người Việt ở nước ngoài) đồng thanh bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ? Đến bây giờ vẫn u mê tin vào lòng tốt hay tình hữu nghị thì chỉ có trời mới biết được các vị lãnh đạo hiện nay tin tưởng vào cái gì(!)?

Giả sử (nhưng rất hiện thực) Trung Quốc cấm ngư dân ta đánh cá trên Biển Đông cả 365 ngày/năm thì khi ấy sẽ là gì? Hàng vạn người sẽ chết đói, hàng vạn trẻ em sẽ lâm vào cảnh không cửa không nhà vì có đồng nào thì ngân hàng đã xiết nợ gần hết và, mặc nhiên, ta mất tất cả biển trời, đảo… Chưa nói đến những nguồn lợi, chỉ riêng về lĩnh vực an ninh thôi đã nguy hiểm không cùng…

Tại sao không nghĩ và tin rằng hàng ngàn năm cha ông ta đánh bại được giặc Trung Hoa thì bây giờ cái sự thật đương nhiên đó vẫn là chuyện bình thường? Tại sao không nghĩ rằng vì sao Thủ tướng Nhật hứa dời căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa nhưng nay đành thất hứa vì tham vọng đen tối của Trung Quốc là khó có thể hình dung nổi? Tại sao không chịu tin rằng Đài Loan cách thành phố Hạ Môn của Trung Quốc chỉ hơn 200km nhưng Trung Quốc không dám động vào là bởi lẽ vì sao? Tại sao không chịu biết và vận dụng một chút cái trí thức nhỏ nhoi từ những cái đầu thiển cận để thấy rằng chẳng phải vô cớ mà Úc và Thái Lan là 2 trong những nước đầu tiên đem quân đến Iraq để giúp Mỹ và Anh? Người ta tính chuyện chiến lược cả trăm năm còn lãnh đạo của ta chỉ tư duy chưa đến một nhiệm kỳ…

Là một nhà sử học, tôi tin rằng những điều tôi nghĩ là có cơ sở thực tiễn hẳn hoi. Vận nước nguy lắm rồi. Không thể để cho Trung Quốc năm nay cấm 60 ngày, năm sau tăng lên 77 ngày và năm sau nữa là 177 ngày… Lịch sử dân tộc không tha thứ cho những kẻ bán rẻ đất nước vào tay của ngoại bang. Nếu còn nghĩ tới ngày mai, xin hãy vì dân tộc và đất nước mà tỉnh lại một chút! Bối rối trong những tình huống căng thẳng không phải là phẩm chất của người lãnh đạo. Bối rối đến nỗi mất phương hướng và liên tiếp phạm sai lầm thì không thể nào chấp nhận nổi. Chúng tôi – những con dân của Đất Việt Dấu Yêu kính đề nghị các nhà lãnh đạo phải trả lời những câu hỏi tại sao đã nêu ở trên? Và, chúng tôi kiến nghị rằng phải đề ra giải pháp và phải nói rõ những cách thức cụ thể, sao cho Trung Quốc không thể “biến” 77 ngày cấm biển thành 365 ngày(!) Tại sao cả Hải quân Việt Nam và Ngư Dân không thể cùng ra đánh bắt cá ở Biển Trời Quê Ta?

Huế, 16.5.2010. Tel: 0914.079.210.

Email: hathinh@gmail.com

Hà Văn Thịnh, giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế.

Nguồn: Danluan

Dân biểu tình chống cướp đất cho lễ 1000 năm Thăng Long

Một số phụ nữ tham gia biểu tình phản đối giải tỏa đền bù bất công ở Dương Nội, quận Hà Ðông. (Hình: DCCTVN.Net)

Hàng chục người từ quận Hà Ðông tới cơ quan nhà nước ở trung tâm thủ đô Hà Nội biểu tình đòi lại đất đai tài sản đã bị nhà nước cướp đoạt và giải tỏa đền bù bất công. Ðất đai này, theo người biểu tình, bị tước đoạt để xây công trình phục vụ cho dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Theo một nhân chứng thuật lại trên trang báo điện tử www.dcctvn.net thì cuộc biểu tình diễn ra ở Hà Nội mà các người tham dự đều mặc áo thun trắng có hàng chữ phía sau lưng “Phản đối việc cưỡng chế trái pháp luật của UBND quận Hà Ðông.” Quận Hà Ðông trước đây thuộc tỉnh Hà Tây, sau này sáp nhập vào Hà Nội.

Nhân chứng kể rằng, “Chiều 11 tháng 5, 2010 đang ngồi ở phía cuối xe Bus số 02 chạy từ Bắc Cổ về Yên Nghĩa, khi xe đến điểm dừng cạnh bệnh viện Răng Hàm Mặt tôi thấy phía trên đầu xe tiếng quát tháo của anh tài xế và phụ xe khiến cho cả xe nhốn nháo. Lúc đó tôi nhìn xuống đường thấy một đoàn người rất đông mặc các áo in các dòng chữ phản đối việc chính quyền cướp đất của dân.

Anh lái xe và phụ xe nhất quyết không cho đám người đó lên xe (chắc sợ liên lụy) xe đóng cửa nhanh và tôi đã nhanh tay ngoái lại phía sau xe chụp qua cửa kính của xe được một số hình ảnh của đoàn người nói trên. Tôi đang cảm thấy tiếc nuối vì không thể xuống xe để tìm hiểu về sự việc, thì may sao có một anh đã nhanh chân chen được lên xe Bus, do đó tôi có dịp để hỏi anh về sự tình vụ việc.”

Nhân chứng viết tiếp rằng, “Theo lời anh kể, anh hiện sống ở Dương Nội-Hà Ðông-Hà Nội, đoàn của anh đi biểu tình phản đối việc chính quyền thu hồi hoàn toàn 100% đất nông nghiệp, sự việc được bắt đầu vào giữa năm 2006 khi đó Hà Tây chưa sát nhập vào Hà Nội, số diện tích đất lấy cho dự án vừa phải nhưng do đền bù không thỏa đáng nên nhân dân đã liên tục tụ tập thành các cuộc biểu tình phản đối.

Từ khi sát nhập với Hà Nội thì dường như nó bắt đầu được tiến hành nhanh chóng, mạnh mẽ và quyết liệt với giá đất ngày càng leo thang, lúc này UBND Hà Ðông và Hà Nội đã ra quyết định thu hồi 100% đất nông nghiệp của Dương Nội mà người dân hoàn toàn chưa nhìn thấy quyết định thu hồi đất, chưa được nghe đến phương án giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư, mà chỉ được nghe thông báo qua loa truyền thanh của xã. Mới nghe qua loa, nhưng chủ đầu tư là Công ty Nam Cường đã cho san ủi toàn bộ số lúa, hoa màu của nông dân xã Dương Nội. Người dân bức xúc trước việc làm của Công ty Nam Cường, trong khi chính quyền xã Dương Nội làm ngơ. Cũng theo lời của người đàn ông này, thì hiện bên Nam Cường có 6 dự án còn lại là 9 dự án của xã Dương Nội.”

Người biểu tình phản đối giải tòa đền bù bất công ở Dương Nội ngồi trên xe buýt trở về nhà với cái áo viết những chữ phản đối. (Hình: DCCTVN.Net)

Theo lời tường thuật nói trên dân Dương Nội đã khiếu kiện đủ mọi nơi, đủ mọi ban ngành từ địa phương đến trung ương suốt gần 4 năm nhưng đều bị làm ngơ.

Mà các dự án đó được thi hành gấp rút cho dù trái lý trái luật “để kịp chào đón 1000 năm Thăng Long Hà Nội.”

Không thể tiếp tục chịu đựng, hơn 30 người mặc áo thu trắng in hàng chữ phản đối cả trước ngực sau lưng về “Văn phòng ban giải phóng mặt bằng Hà Nội nằm ở 197 Nghi Tàm” để “yêu cầu các cấp lãnh đạo phải có văn bản chấm dứt việc thu hồi đất của nhân dân, hoặc phải có phương án đền bù thỏa đáng.”

Nhân chứng kể lại theo lời người nông dân Dương Nội, “Gia đình từ bao năm nay sống bằng nghề trồng đào Tết trên 3 sào ruộng hiện có. Tết vừa qua, mặc dù thời tiết bất ổn, đào không nở được hoa nhưng gia đình anh có tổng thu nhập là 120 triệu đồng. Cả gia đình 5 người có cuộc sống khá ổn định. Nếu tính theo mức đền bù UBND Hà Ðông đặt ra thì gia đình anh sẽ nhận được khoản đền bù khoảng 150 triệu đồng, tương đương 1 năm làm việc. Quan trọng hơn, cả gia đình sẽ không biết làm gì trong tương lai. Ðó là về gia đình anh, còn phần lớn các gia đình khác làm nông nghiệp với thu nhập bình quân từ trồng hoa, cây cảnh khoảng 50 triệu đồng/hộ. Ðây là mức thu nhập ổn định đối với người nông dân địa phương này. Còn việc sau khi bị thu hồi đất, họ sẽ làm gì để sống thì chưa được các cấp chính quyền của Hà Ðông và Hà Nội tính đến.”

Rồi người nông dân này nói với vẻ bức xúc, “Nếu trong thời gian tới đây mà chính quyền không giải quyết một cách rõ ràng thì tất cả bà con sẽ cho con cái nghỉ học cùng ra đường biểu tình để buộc chính quyền phải giải quyết.”

Gần như hàng ngày đều có rất đông các người khiếu kiện đất đai chầu chực ở Văn Phòng Tiếp Dân của Ðảng và Nhà Nước Trung Ương ở quận Cầu Giấy. Các đoàn biểu tình, khiếu kiện từ các tỉnh xa kéo về Hà Nội chầu chực hay nằm ngủ vạ vật ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng thường bị xua đuổi, tịch thu các đồ thiết dụng hàng ngày. Ít ra, đã hai lần có người biểu tình tự thiêu để phản đối các quyết định sai trái, bất công ở cơ quan nói trên.

Ngày 29 tháng 1, 2007 trước trụ sở văn phòng của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Nhà Nước CSVN tại 35 phố Ngô Quyền thuộc quận Hoàn Kiếm-Hà Nội, hàng trăm người thuộc xã Vạn Phúc-thị xã Hà Ðông-tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội mở rộng) đã tiếp tục ngồi bao vây biểu tình bước sang ngày thứ 11. Dù sống trong cảnh “màn trời chiếu đất,” cơm đường, nước bụi bà con vẫn không giảm sút ý chí đấu tranh phản đối quyết định cưỡng chế đất đai giải tỏa đền bù bất công và đẩy họ vào vòng nghèo đói vì không biết làm gì để sống khi đã mất nhà mất ruộng.

Ðầu năm 2009, khoảng từ một đến hai ngàn người dân thuộc ba xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã kéo ra khu đất rộng đến 500 mẫu tây được qui hoạch để xây dựng “khu đô thị Văn Giang” để biểu tình, chống lệnh giải tỏa đền bù bất công.

Tin tức thời sự lúc đó nói khoảng 600 Cảnh Sát Cơ Ðộng đã được đưa tới giải tán và đã bắt đi ít nhất 5 người.

Theo tin báo điện tử VietnamNet ngày 5 tháng 9, 2005, chỉ trong vòng 10 ngày, đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Việt Nam tiếp nhận hơn 5,000 lá đơn khiếu kiện đất đai chỉ riêng của dân chúng Hà Nội. Có 13 đoàn công tác kiểm tra tình hình thi hành luật đất đai của bộ này về các tỉnh đã đem về Hà Nội 17,480 đơn khiếu kiện. Người ta không biết chúng được giải quyết ra sao trong khi các phòng tiếp dân khiếu kiện từ trung ương đến địa phương lúc nào cũng đầy người.

Nguồn: Người Việt

http://haydanhthoigian.wordpress.com/2010/05/17/dan-bi%E1%BB%83u-tinh-ch%E1%BB%91ng-c%C6%B0%E1%BB%9Bp-d%E1%BA%A5t-cho-l%E1%BB%85-1000-nam-thang-long/

Saturday, May 15, 2010

Nộp 200 triệu tiền chuộc, 12 ngư dân Quảng Ngãi được thả

Sau gần 10 ngày bị bắt giữ tại đảo Phú lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam. Thuyền trưởng Đặng Tằm, chủ tàu Qng-0281 cùng 11 ngư dân được thả và trở về nhà an toàn vào lúc 11 giờ 30 phút tối hôm qua (14-5) sau khi đã chấp nhận nộp khoản tiền chuộc 200 triệu đồng Việt Nam cho những người bắt giữ tàu...

Sáng ngày 15-5, phóng viên VietNamNet đã điện thoại trực tiếp cho ông Đặng Tằm, thuyền trưởng, kiêm chủ tàu Qng-0281, trú tại thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ông khẳng định ông cùng 11 thuyền viên bị Trung Quốc bắt giữ hôm 4-5 khi đang đánh bắt tại khu vực biển Hoàng Sa và đã được thả vào chiều 13-5 và trở về nhà an toàn vào khuya ngày 14-5.

Ông Tằm cho biết nguyên nhân được thả là do ông chấp nhận nộp tiền chuộc theo yêu cầu của những người bắt giữ. Chính ông đã được những người bắt giữ trên đảo Phú Lâm cho phép điện thoại về nhà gửi tiền sang nộp phạt

l5.jpg
Cả 3 cha con ông Tiêu Viết Là trú cùng thôn với ông Đặng Tằm cũng vừa mới được thả về từ Hoàng Sa cách đây hơn 2 tuần

Ngay sau khi nhận được điện thoại của ông hôm 6-5, vợ và người thân của ông trên bờ đã chạy vạy vay mượn được 200 triệu đồng Việt Nam và đã chuyển tiền qua địa chỉ của một ngân hàng tại Trung Quốc mà ông Tằm bảo là không nhớ rõ tên vì tiếng nước ngoài.

Khi nhận được tiền, những người bắt giữ đã thả ông cùng 11 thuyền viên cùng chiếc tàu. Tuy nhiên, ông Tằm cho biết, toàn bộ trang thiết bị trên tàu, cùng lương thực, thực phẩm, dầu và hải sản đánh bắt được đều bị cướp sạch.

Vào ngày 13-5, sau khi được thả, ông cùng 11 thuyền viên đã lên chiếc tàu chỉ còn phần vỏ và máy móc, cùng một ít dầu và lương thực tìm đường về cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi). Tàu ông đã cập bờ an toàn vào lúc 23 giờ 30 phút đêm hôm qua trong tình trạng đói khát tả tơi.

“Toàn bộ số tiền chuộc là do vợ vay mượn của người thân và những người buôn bán trên địa bàn. Ngay vỏ chiếc tàu và máy còn lại cũng đã được cầm cố để vay mượn trước đó…”, ông Đặng tằm cho biết.

Tổng tài sản bị mất theo tính toán của ông Tằm ngoài tiền chuộc người 200 triệu đồng, tài sản bị cướp ước tính hơn 150 triệu đồng.

Như VietNamNet đã đưa tin hôm 6-5, thuyền trưởng Đặng Tằm, điện về từ đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa cho biết tàu số hiệu Qng-0281 do ông điều khiển, kiêm chủ tàu, khi đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, cùng 11 thuyền viên đã bị tàu kiểm ngư mang cờ hiệu Trung Quốc bắt giữ đòi tiền chuộc hơn 70 vạn nhân dân tệ.

Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đang lấy lời khai của những ngư dân vừa trở về để có biện pháp giúp đở.

  • Vũ Trung

Friday, May 14, 2010

Thành viên Khối 8406 được bảo trợ đến Hoa Kỳ

2010-05-12

Ngày 11 tháng 5 là Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam, được ấn định theo nghị quyết chung SJ 168 và luật số 103-258, do tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton ký ban hành ngày 25 tháng 5 năm 1994.

Ngày Nhân Quyền cho VN

bac-si-Quan-200
Diễm Thi của RFA và bác sĩ Nguyễn Quốc Quân trong Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam 11/5/2010 tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Photo by Dolinh
Ngày này mỗi năm được tổ chức tại quốc hội Hoa Kỳ, nhằm kêu gọi và cổ vũ nhân quyền cho người dân Việt Nam. Lý do chính là vì nhà nước Hà nội thường bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới chỉ trích là vi phạm quyền con người, ngăn cấm tự do báo chí, kiểm soát Internet, và bắt giữ, đàn áp hay sách nhiễu những ai không đồng quan điểm với họ.

Hôm thứ Ba 11 vừa rồi, Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam đã diễn ra tại trụ sở thượng viện Mỹ dưới sự bảo trợ của thượng nghị sĩ Sam Brownback cùng một số vị dân biểu trong Vietnamese Caucus, tức nhóm những vị thường quan tâm đến các vấn đề ở Việt Nam.

Tại buổi này, Thanh Trúc có cơ hội gặp và trò chuyện với một người tị nạn mới từ Việt Nam qua, nhưng từ lâu đã đựơc biết đến như một người đấu tranh cho dân chủ và từng nếm trải nhiều kinh nghiệm đớn đau. Đó là cô Lư Thị Thu Duyên, thành viên của khối 8406, em của Lư Thị Thu Trang hiện vẫn đang ở trong nước.

Thật sự như em đã trình bày là rất nhiều người bị đàn áp nhưng mà trường hợp của em có sự khác biệt là vì con em không được đến trường. Cái sự khác biệt vì lý do nhân đạo là ở đó.

Chị Thu Trang


Vâng, đó là cô Lư Thị Thu Duyên, thành viên khối Dân Chủ 8406, mà chị ruột Lư Thị Thu Trang cũng là một nhà hoạt động trong nhóm, kể với Thanh Trúc lý do vì sao cô được Toà Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ can thiệp cho qua định cư tại Mỹ:

“Sau khi em rời khỏi Việt Nam khoảng một tuần, nhà cầm quyền đã mạnh tay đàn áp gia đình em. Riêng với chị Trang thì họ đã không cho chị đưa con đi học và nhiều lần sách nhiễu. Sau đó họ bắt chị về đồn, tịch thu điện thoại cũng như chiếc xe máy là phương tiện để chị đưa đón con đi học và đi chợ.

Hiện nay thì tình trạng của chị Thu Trang em là ở tù ngay trong chính ngôi nhà của mình. Cũng như gia đình của em, người thân của em, đều nằm trong hoàn cảnh như vậy. Cuộc sống rất là khó khăn, bị bao vây tất cả mọi thứ từ kinh tế cho đến quyền sống, quyền tự do đi lại thì họ cũng đã tước đoạt hết rồi.

Bây giờ chị chỉ còn một việc là đưa đón con đi học thì họ cũng ngăn chặn luôn và họ tuyên bố là bất cứ giờ nào chị ra khỏi nhà thì chỉ có mỗi việc là đi về đồn thôi chứ không có thể mà tự do đi lại, dù là đi lại trong phường hoặc trong quận tức là nơi cư trú.”

Bị đàn áp ở trong nước

Thanh Trúc: Chị cũng là một thành viên của khối 8406, lý do nào chị được qua Hoa Kỳ chị có thể kể lại?

Lư Thị Thu Duyên: Thực sự mà nói ở Việt Nam, những người có quan điểm đối lập với nhà cầm quyền thì hầu như tất cả đều bị đàn áp, bị sách nhiễu cũng như bị bắt mặc dù những quyền đó được Công Ước Quốc Tế công nhận và Việt Nam đã ký vào đó nhưng họ không thực thi.

Thanh Trúc: Chuyện gì đã xảy ra cho chị, đến mức độ nào để chị được can thiệp và ai đã can thiệp cho chị được qua Hoa Kỳ?

thuduyen250
Chị Thu Duyên cùng con trai. Ảnh do chị Duyên cung cấp.
Lư Thị Thu Duyên: Thực ra tụi em đã từng bị đàn áp từ năm 2000, đã bị đánh đập nhiều lần, rất là tàn nhẫn. Nhưng mà tới năm 2006 thì bên ngoài và quốc nội mới liên lạc được với nhau để có thể đưa tin tức trong nước ra ngoài được.

Cho nên sau khi quay trở lại 210 Võ Thị Sáu để tiếp tục đòi hỏi những quyền căn bản của con người, cũng như đòi lại tài sản của gia tộc mình thì tụi em lại tiếp tục bị đàn áp nữa.

Hầu như là tụi em không thể làm việc được vì đi tới chỗ nào xin việc làm mà làm được chừng mười ngày nửa tháng, thì họ lại đến và họ làm áp lực cho người chủ đó đuổi tụi em. Đó là chuyện bao vây kinh tế.

Còn về chính trị thì tụi em đã bị đưa ra đấu tố, bị quản chế tại địa phương. Thậm chí họ cho những người gọi là quần chúng nhân dân hoặc côn đồ đánh mình rất nhiều lần. Khi mình báo công an thì họ không hề can thiệp cho mình vì họ đứng đằng sau và chỉ đạo cho những người đó đánh mình. Mục đích là làm cho mình nhụt chí, không còn đấu tranh nữa để quay về mà đầu hàng họ hoặc là dừng lại.

Hôm nay lần đầu tiên em chính thức được đến đây để tiếp xúc với các hội đoàn cũng như các tổ chức đấu tranh chính trị với mục đích chung là để Việt Nam có tự do dân chủ.

Chị Thu Trang


Thanh Trúc: Thu Duyên có bao giờ bị bắt giữ và bị tù giam chưa?

Lư Thị Thu Duyên: Em chưa bị ở tù ngày nào. Cái lần lâu nhất là em bị giữ mười tám tiếng sau cái ngày 18 tháng Bảy năm 2007, tức là chuyện xảy ra ở toà nhà quốc hội.

Thanh Trúc: Chuyện gì đã xảy ra?

Lư Thị Thu Duyên: Sau cuộc đàn áp người dân ở các tỉnh thành miền Nam Việt Nam thì tụi em cùng chung số phận.

Thanh Trúc: Có phải lúc đó là phong trào đòi đất?

Lư Thị Thu Duyên: Đúng như vậy. Tụi em đã bị quản chế tại địa phương, quản chế tại nhà của mình luôn, nghĩa là đi chợ họ cũng không cho. Việc đó xảy ra gần một năm. Sau đó tụi em vẫn tiếp tục xuống đường và tiếp tục đòi những quyền căn bản của con người thì họ càng nặng tay hơn. Họ đàn áp về mọi mặt, sau giống như em đã kể rồi đó. Thì sau đó họ cũng không cho con em đến trường luôn.

Đến được đất nước tự do

Thanh Trúc: Bằng cách nào Toà Đại Sứ hay Toà Tổng lãnh Sự Mỹ ở thành phố Hồ Chí Minh can thiệp giúp cho chị ra khỏi nước?

Lư Thị Thu Duyên: Thật sự em rất cảm ơn tất cả các anh các chị trong giới truyền thông, đã kịp thời đưa những tin tức về người dân oan cũng như những người đấu tranh cho dân chủ mà bị đàn áp ở trong nước. Thì chính nhờ những thông tin đó mà họ đã mời em đến và sau vài lần làm việc thì họ có yêu cầu em là để con em được đến trường như những đứa trẻ khác thì em nên rời khỏi Việt Nam và em đã đồng ý.

Thanh Trúc: Vì sao mà họ nói để cho cháu được đến trường, phải chăng đó là lý do nhân đạo?

Lư Thị Thu Duyên: Đúng là lý do nhân đạo, nhưng em nghĩ thật sự họ cũng biết những đứa trẻ này vô tội, các cháu cần phải được học hành như bao trẻ khác. Việc nhà cầm quyền Việt Nam đối xử với em như vậy là hết sức vô lý và tàn nhẫn. Họ có quyền trong tay, họ sử dụng quyền đó để đàn áp những phụ nữ chân yếu tay mềm như tụi em, những người đấu tranh trong ôn hoà bất bạo động cho quyền căn bản của con người. Đó là điều đã khiến cho Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ giúp em để con em được đến trường.

Thanh Trúc: Chị Thu Duyên thì được can thiệp để qua Hoa Kỳ với cháu nhỏ, còn chị Thu Trang thì cũng bị trường hợp như chị Thu Duyên . Vì sao chị Thu Trang không đi Hoa Kỳ được?

Lư Thị Thu Duyên: Điều này thật sự em không thể nào nói hết được. Chị Trang em thì chưa được mời làm việc lần nào nhưng mà em đã có vài lần...

khoi-8406-250
Thiệp chúc tết Canh Dần của khối 8406. Photo courtesy of cuunuoc.org
Thanh Trúc: Chị muốn nói chưa được Toà Tổng Lãnh Sự mời làm việc?

Lư Thị Thu Duyên: Đúng. Sau những lần bị đàn áp bắt bớ thì em là người được mời vào Tổng Lãnh Sự Quán để làm việc với họ về vấn đề nhân quyền. Họ thấy tình trạng em như vậy thì vì lý do nhân đạo họ giúp đỡ thôi. Chuyện của chị Trang là một chuyện khác nữa. Thật sự em cũng không biết sắp tới như thế nào nhưng mà cái tình trạng này thì đúng là gia đình đang rất là khó khăn.

Con của chị Trang bây giờ cháu rất là sợ, cháu không dám đi học nữa, tại vì sau cái ngày mà mẹ cháu bị bắt ngay tại cổng trường, cháu quay lại cháu nhìn thấy, thì cháu không chịu đi học nữa, mẹ cháu phải thuyết phục cháu. Mấy ngày hôm nay là cháu thi, em nghĩ sau khi thi xong thì chắc cháu cũng không dám đến trường nữa đâu.

Thanh Trúc: Trong hồ sơ hay trong giấy tờ mà Toà Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam can thiệp cho chị đi qua Hoa Kỳ , cái lý do được ghi trong đó là như thế nào chị có biết không?

Lư Thị Thu Duyên: Không biết...

Thanh Trúc: Chị có nghĩ đó là vì lý do chính trị hay chỉ thuần là nhân đạo thôi?

Ở Việt Nam, những người có quan điểm đối lập với nhà cầm quyền thì hầu như tất cả đều bị đàn áp, bị sách nhiễu cũng như bị bắt mặc dù những quyền đó được Công Ước Quốc Tế công nhận và Việt Nam đã ký vào.

Chị Thu Trang


Lư Thị Thu Duyên: Câu hỏi này cũng hơi khó, nhưng em nghĩ cũng có lý do chính trị trong đó vì em là người đấu tranh cho tự do dân chủ và em là thành viên của khối 8406. Khối này đòi xoá bỏ điều Bốn của Hiến Pháp đòi phải có đa nguyên đa đảng. Cũng có lý do đó.

Thanh Trúc: Đã có rất nhiều người tranh đấu ở trong nước và chị là người được can thiệp để qua Hoa Kỳ.

Lư Thị Thu Duyên: Thật sự như em đã trình bày là rất nhiều người bị đàn áp nhưng mà trường hợp của em có sự khác biệt là vì con em không được đến trường. Chứ nếu mà giống những gia đình khác tức là những đứa trẻ không bị đàn áp, con của mấy anh chị đó vẫn được tới trường bình thường. Cái sự khác biệt vì lý do nhân đạo là ở đó.

Thanh Trúc: Bắt đầu tháng mấy thì Toà Tổng Lãnh Sự tiếp xúc với chị?

Lư Thị Thu Duyên: Sau khi em hết lệnh quản chế bằng văn bản là tháng Sáu năm 2008.

Thanh Trúc: Và chị đến Hoa Kỳ tháng mấy?

Lư Thị Thu Duyên: Tháng Mười Hai năm 2009 thì em đến được đất nước tự do. Em đến Boston, tiểu bang Massachusetts.

Thanh Trúc: Bây giờ cuộc sống của chị như thế nào?

Lư Thị Thu Duyên: Em được hưởng qui chế tị nạn như tất cả những người tị nạn trước em. Em đang đi học để có thể hoà nhập với cuộc sống mới và để tiếp tục đấu tranh, làm những việc mà ở trong nước em bị hạn chế, để cho người dân Việt Nam ở trong nước cũng như gia đình em sớm được hưởng không khí tự do như em đang được hưởng.

Thanh Trúc: Nếu có thể nói điều gì với người chị của Thu Duyên tức là Thu Trang, và những người đồng cảnh ngộ, những người đi đòi quyền lợi hay là những người có tiếng nói khác với chính quyền thì Thu Duyên có thể nói những gì?

Lư Thị Thu Duyên: Xin nhắn gởi là dù em cũng như tất cả các anh chị đang sống ở đất nước tự do, cũng như các bạn trẻ dù không sinh ra ở Việt Nam mà sinh ra ở đất nước tự do, nhưng các bạn vẫn hướng về nguồn cội của mình, vẫn yêu quê hương yêu dân tộc của mình và mong muốn tất cả người Việt Nam được hưởng tự do như các bạn ở đây.

Thanh Trúc: Đến thượng viện quốc hội hôm nay để tham dự Ngày Nhân Quyền Cho Việt Nam, Thu Duyên có cảm tưởng như thế nào?

Lư Thị Thu Duyên: Em rất vui, hôm nay lần đầu tiên em chính thức được đến đây để tiếp xúc với các hội đoàn cũng như các tổ chức đấu tranh chính trị với mục đích chung là để Việt Nam có tự do dân chủ.

Thanh Trúc: Chị nghĩ thế nào về những hoạt động tại hải ngoại đối với những người bất đồng chính kiến trong nước?

Lư Thị Thu Duyên: Em nghĩ những hoạt động ở đây nói chung nhưng mà giới truyền thông nói riêng thì đó là điều làm cho tụi em rất được an ủi. Những tin tức đưa ra kịp thời cho mọi người biết là điều quan trọng nhất vì ở Việt nam luôn bị bưng bít thông tin. Còn thông tin các anh chị đưa ra để cho mọi người biết và ủng hộ cũng như lên tiếng và tranh thủ được cái tình cảm của cộng đồng người Việt các nơi.

Điều làm em vui mừng nhất là tới bây giờ các anh chị vẫn luôn quan tâm và hết lòng với những người đấu tranh ở quốc nội.

Thanh Trúc: Cám ơn chị Lư Thị Thu Duyên, chúc chị một cuộc sống tốt đẹp trên đất nước Hoa Kỳ.


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Democracy-Activist-Come-To-US-Thru-Consulate-Interference-ThTruc%20-05122010165931.html

Thursday, May 13, 2010

Tinh thần 3 không bất diệt của Trần Đông Chấn !!!

Ông Trần Huỳnh Duy Thức

Mr Trần Huỳnh Duy Thức trước tòa



Khi xưa còn bé mình học lịch sử nói về gương oai hùng lẫm liêt của nhiều vị tướng,quan triều đình ,chúng ta ai ai cũng không quên câu nói bất hủ của vị tướng Trần Bình Trọng khi bị sa vào tay giặc xâm lược.Tướng Nguyên dụ dỗ,doạ nạt và hỏi Trần Bình Trọng muốn làm Vương đất bắc không,Trần Bình Trọng khẳng khái trả lời tướng quân Nguyên rằng :" Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất bắc".Một gương khác khi 3 tỉnh Nam Kỳ(Vĩnh Long-An Giang-Hà Tiên) thất thủ về tay thực dân Pháp,trước sức mạnh quân sự của thực dân Pháp Phan Thanh Gian trao thành cho giặc để tránh sự chết chóc vô ích của người dân 3 tỉnh Nam Kỳ, Phan Thanh Giản tuyệt thực 17 ngày và sau đó uống thuốc độc chết để bảo vệ uy danh mình.Làm tướng không giữ được thành,khi thành rơi vào tay giặc thì tướng phải mất theo thành.Phan Thanh Gian uống thuốc độc tuẫn tiết vào ngày 4 tháng 8 năm 1868.Ngày 17 tháng 6 năm 1930 Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí ông bị thực dân Pháp xử chém,ông và 12 người đồng chí cùng hô vang lớn :"Việt Nam muôn năm".Nguyễn Thái Học để lại câu nói lưu danh muôn đời: "Không thành công cũng thành nhân" .Thật vậy ,Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí ông đã thành nhân trong lòng con dân nước Việt.Tên tuổi họ sống mãi với thời gian, người Việt Nam ai ai cũng kính phục tinh thần ái quốc Nguyễn Thái Học vị anh hùng dân tộc .

Đó là những gương anh hùng sáng chói của các bậc tiền nhân ta,đầu thế kỷ XXI một Trần Đông Chấn không khuất phục bạo quyền trần gian đã hiên ngang trước phiên toà ,anh Thức đòi giải tán toàn bộ hội đồng xét xử anh.Dù công an cs VN hù doạ,đánh đập dã man và dụ dỗ Trần Huỳnh Duy Thức nhận tội để giảm án tù sớm được đoàn tụ với gia đình,nhưng một Trần Đông Chấn đã không khom lưng-không cúi đầu và không đi bằng hai đầu gối.Trần Huỳnh Duy Thức đã dõng dạc nói lớn với bạo quyền trần gian rằng: " Trần Huỳnh Duy Thức sẳn sàng ngồi tù 16 năm chứ không khom lưng,cúi đầu,đi bằng 2 đầu gối".Trần Đông Chấn đã ngẫng cao đầu không khiếp sợ lũ giòi bọ,anh đứng vững trên đôi chân cứng hơn Thép,rắn hơn Kim cương.Khí phách của Trần Huỳnh Duy Thức đã làm cho bạo quyền csVN hoảng sợ khiến cho bà Nguyễn Phương Nga phát ngôn nhân bộ ngoại giao VN phải la ó lên rằng :"Tây phương đã can thiệp vào nội bộ VN...".

Thế giới ngày nay đang sống trong thời kinh tế toàn cầu nên việc VN vi phạm : Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền thì các quốc gia văn minh Tây phương phải lên tiếng phản đối phiên toà "Rừng rú" xử Trần Đông Chấn thôi.

Ông Lewis thứ trưởng ngoại giao Anh quốc lo ngại rằng: "Bản án rừng rú xử anh Thức 16 năm tù sẽ gây phương hại cho vị thế của VN trên trường quốc tế".

Trần Đông Chấn đã không chùn bước , không xin "khoan hồng" để sớm được về đoàn tụ cùng gia đình(Cha,Mẹ già ,vợ và 2 con thơ).Anh đã nêu cao tinh thần uy dũng 3 không Trần Huỳnh Duy Thức :

***1) Không cúi đầu

***2) Không khom lưng

***3)Không đi bằng đầu gối


Vậy,

Hàn khí tri tùng tiết

Lâm phong thức trúc can

khí lạnh biết giá trị cây tùng
gió rừng biết gan cây trúc.

"Ấy là bởi vì cây thông vững mạnh trong mùa đông băng giá, cây trúc dẻo dai sau gió rừng vũ bão. Có lẽ đó cũng là đặc tính của tinh thần 3 không bất diệt của anh Trần Đông Chấn "!!!

Thế kỷ XXI VN đang từng bước phát triển kinh tế ,dù là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng GDP VN vẫn tăng đều mỗi năm trên 6--7% ,riêng năm 2009 thế giới bị khủng hoảng tài chánh nhưng nền kinh tế VN vẫn tăng trưởng trên 5% con số mà nhiều quốc gia Tây phương mơ ước.Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức có thể lợi dụng luật pháp của VN trong thời kỳ nữa sáng-nữa tối để làm giàu cho gia đình.Nhiều người VN trong nước đều công nhận rằng chính Trần Huỳnh Duy Thức đã có công lớn trong việc mang lại luồng sinh khí mới cho nền công nghệ thông tin ở Sài Gòn và cả nước VN.Nhưng tại sao một Trần Đông Chấn chọn con đường cách mạng Dân Chủ Hoá VN để rồi anh phải "mâm" cơm nhà tù XHCN 16 năm.Điều anh Thức mong muốn duy nhất là VN giàu mạnh-văn minh-hạnh phúc-ấm no và tôn trọng công lý,chỉ vì anh Thức mơ ước VN ta ngày càng văn minh,phú cường và nhân phẩm con người được tôn trọng,không còn phải mang nỗi nhục mỗi khi cầm hộ chiếu của nước Cọng Hoà XHCN VN khi đi ra nước ngoài .

Một Trần Huỳnh Duy Thức đã thắp sáng ngọn đuốc để giới trẻ VN thời đại @ và trí thức trẻ VN ta noi theo để khỏi sống trong bóng đêm,u mê mãi trong nước TIGER-HEINIKEN-HENNESSY GOGNAC ,bạc nhược chí khí và dân trí ngày càng thui chột.Hãy ngẫng cao đầu lên người Việt Nam ơi!!!Tất cả chúng ta chỉ có một đời để sống ,hãy sống có ý nghĩa để khỏi hổ thẹn với lương tri làm người Việt Nam có hơn 4,000 năm lịch sử !!!

"Sống tủi làm chi đứng chật trời
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai ?
Sống làm nô lệ cho người khiến
Sống chịu ngu si để chúng cười
Sống tưởng công danh,không tưởng nước
Sống lo phú quý chẳng lo đời
Sống mà như thế đừng nên sống
Sống tủi làm chi đứng chật trời "

Xin mượn lời thơ nhà cách mạng Phan Bội Châu thay lời kết !!!

http://phuccali99.multiply.com/journal/item/763