Saturday, July 3, 2010

Nghĩ về Tân Cương, Tây Tạng.





Mẹ Nấm: Nghĩ về Tân Cương, Tây Tạng.


Tròn một năm kỷ niệm cuộc xuống đường biểu tình tại Urumqi đòi chính quyền Trung Quốc điều tra về việc hai người Hồi Tân Cương bị chết và gần 120 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ với người Hán vào cuối tháng 6/2009 trong nhà máy sản xuất đồ chơi tại thành phố Thiều Quan thuộc tỉnh Quảng Đông, cách Tân Cương hơn ngàn cây số về phía đông nam.

Tân Cương là một khu tự trị nằm ở vùng biên giới phía tây bắc Trung Quốc từ thời nhà Thanh dành riêng cho sắc tộc Hồi giáo Uighur. Khu này có một diện tích rộng trên 1,6 triệu km2 (lớn nhất trong số các tỉnh và khu tự trị khác tại Trung Quốc), nhưng với một dân số nhỏ: khoảng 20 triệu người, trong đó 45% là người Uighur, 40% là người Hán, 5% còn lại là các sắc tộc thiểu số khác.(*).

Mặc dù Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào các dự án phát triển khu tự trị Tân Cương, nhưng sự phát triển này đã không được phân phát đồng đều: mức sống của người Uighur không nhờ đó được nâng cao hơn trong khi giai cấp thống trị người Hán ngày càng giàu có.
Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa người Hán và người Uighur ngày càng khác biệt : các cấp lãnh đạo chính quyền, chủ nhân các nhà máy, công xưởng, nhà hàng, khách sạn đều là người Hán, phần lớn nhân viên và công nhân phục dịch là người Uighur.

Khi vấp phải sự phản đối, giới cầm quyền Bắc Kinh liền tìm mọi cớ để gán ghép người Hồi Tân Cương là đòi ly khai và khủng bố để lấy cớ đàn áp.
Hình ảnh những cảnh sát chống biểu tình được trang bị đầy đủ và hàng ngàn người Hán cầm gậy cầm xẻng ngang nhiên đi giữa đường phố Urumqi hò hét đòi trừng trị những người Uighur xuống đường trước đó và hình ảnh những phụ nữ Uighur yếu đuối khóc lóc trước ống kính truyền hình vào những ngày cuối tháng 6 năm 2009 đã chứng mình rằng sự phân biệt đối xử đối với người Uighur tại Tân Cương là có thật.

Thật ra, nguyên nhân sâu xa là bởi người Uighur không muốn trở thành thiểu số và tiếp tục bị phân biệt đối xử trên chính quê hương của họ.

Với chủ trương Hán hoá những vùng đất xa xôi như Tân Cương, Tứ Xuyên và Tây Tạng, người Hán sẽ dần dần chiếm lĩnh các vùng đất này.

Tây Tạng là một ví dụ điển hình. Năm 1959, khi cuộc nổi dậy bị thất bại, Đức Đạt Lai Lạt Ma phải sống cuộc đời lưu vong, nhưng tinh thần Tây Tạng thì trở nên bất diệt mặc dù Trung Quốc đã sử dụng đủ thủ đoạn để đàn áp và bịt miệng những người Tây Tạng.
Trong một bài hát của Tây Tạng có câu "Chiếm đóng và khước từ tự do của người Tây Tạng. Là sự tra tấn không để lại dấu vết" (**)
Quả thật, khi Bắc Kinh đang muốn biến giấc mơ Hán hoá những vùng đất xa xôi như Tân Cương, Tứ Xuyên và Tây Tạng thành sự thật thì việc gì mà họ không dám làm?

Tân Cương, Tây Tạng - là những vùng đất mà tôi mơ mình được đặt chân lên đó, được hoà mình vào cái không khí của những con người không cam chịu làm nô lệ và bị đồng hoá.
Hôm nay, khi ngẫm nghĩ về chuyện cũ, tôi lại lan man nghĩ về đất nước mình - nơi đang bị quyền lực độc tôn chi phối.
Nấp sau lưng cùng bóng tối, cái ác, cái xấu, ấy là cái hoạ diệt vong.
Đất nước mà tôi được sinh ra và lớn lên, với những bài học lịch sử hào hùng của 4000 năm văn hiến, liệu có chấp nhận đớn hèn để giữ lại một chút quyền lợi nhỏ cho chính mình?? Không ai có thể lường hết dã tâm của một kẻ ác, đặc biệt là khi bản chất của nó đã được phơi bày qua nhiều thế kỷ. Và những người có trách nhiệm lại cố tình che đậy giấu diếm đi?

Đất nước đứng bên bờ diệt vong mà nhiều người không hay biết, bởi ý thức tự tôn dân tộc trải qua bao năm bị cầm giữ, kềm kẹp cũng đã ngủ quên. Trách ai đây??

Trách ai nếu như dân Việt không có được tinh thần dân tộc như Tân Cương và Tây Tạng?

Trách ai nếu như dân Việt không buồn mảy may tới hoạ diệt vong và đồng hoá?

Tôi tin rằng, rồi đây sẽ không chỉ là trách cứ, mà lịch sử nước Việt sẽ đòi hỏi phải có một phiên toà công bằng để xét xử những con người vì quyền lợi riêng đã cam tâm đẩy đất Việt đến con đường diệt vong.


(*) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/07/090708_uighur_china_history.shtml

(**) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/06/100628_tibet_culturecrackdown.shtml

http://www.facebook.com/?ref=home#!/notes/me-nam/nghi-ve-tan-cuong-tay-tang/409630847206

No comments:

Post a Comment