Sunday, July 11, 2010

Hà Lan hay Tây Ban Nha sẽ vô địch World Cup 2010?



Bookmark and Share

Hà Lan hay Tây Ban Nha sẽ vô địch World Cup 2010?

A. Hà Lan (Netherlands)
B. Tây Ban Nha (Spain)
2010-07-10

Thưa quý vị, sân cỏ World Cup Nam Phi 2010 sắp diễn ra trận đấu mà các fan hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới đang mong đợi, đó là trận chung kết giữa Hà Lan và Tây Ban Nha. Ai sẽ lên ngôi trong trận đấu sinh tử này?

AFP

Tiền vệ Hà Lan Wesley Sneijder (T) và tiền đạo Tây Ban Nha David Villa sẽ gặp nhau trong trận chung kết tại Sân vận động thành phố Soweto, gần Johannesburg, ngày 11 tháng 7 năm 2010. AFP

Trước giờ bóng lăn, Nguyễn Khanh Johannesburg của Nam Phi tường trình với quý thính giả trong câu chuyện bóng đá với Khánh An.

BTV Nguyễn Khanh: Cuối cùng, điều cả thế giới mong đợi đã đến. Không đầy 36 giờ đồng hồ nữa, trái banh sẽ lăn tròn trên sân Soccer City Stadium, trận chung kết World Cup Nam Phi 2010 sẽ diễn ra và chừng 2 tiếng đồng hồ sau đó, tất cả chúng ta đều biết hội tuyển nào sẽ đăng quang Vô Địch Bóng Tròn Thế Giới lần này.

Trước giờ bóng lăn, có lẽ cũng nên nhìn lại con đường đã qua trong khoảng thời gian gần một tháng vừa rồi. Đầu tiên phải nói về hội chủ nhà và các hội tuyển khác của Châu Phi. Năm nay, Châu Phi được Liên Đoàn Bóng Tròn Thế Giới FIFA tặng cho 6 vé, nhưng chỉ mỗi mình Ghana qua khỏi vòng bảng, tiến đến tận tứ kết. Các hội còn lại đều thất bại, trong đó có cả Nam Phi, trở thành quốc gia chủ nhà đầu tiên không xuất hiện ở vòng 16.

Đầy những bất ngờ

Nếu Châu Phi không thành công, thì may mắn Châu Á lại trông ngon lành. Lý do khiến tôi nói điều này vì ngoài Bắc Hàn ra, tất cả những hội còn lại đều gây những bất ngờ trên sân, đặc biệt là hai hội tuyển Nam Hàn và Nhật Bản. Không chỉ vào đến vòng 16, họ còn cho giới hâm mộ nghệ thuật nhồi bóng thế giới thấy họ có thể tiến xa hơn nữa trong tương lai. Quả thật nếu có được thêm một tí may mắn nữa thôi, chúng ta đã thấy được những hội tuyển hàng đầu của Châu Á hiện diện ở tứ kết.


Nếu sự hiện diện của Nhật Bản và Nam Hàn được một số nhà bình luận thể thao xem là bất ngờ thì bất ngờ này quả là quá bé so với những bất ngờ khác liên tục xảy ra ở sân cỏ Nam Phi. Bốn năm trước đây mọi người hồi hộp xem trận chung kết giữa Pháp và Italy, bốn năm sau mọi người ngạc nhiên khi thấy cả Italy lẫn Pháp bị loại ngay từ vòng bảng. Hơn thế nữa, cả hội đương kim vô địch Italy và hội hạng nhì là Pháp đều không thắng được một trận nào cả. Ngay từ đầu giải, mọi người đều nghĩ ông Tây, ông Ý sẽ không đoạt giải 2010 đâu, nhưng ít ra không ai nghĩ cả hai ông này phải về nước sớm như thế.

Bất ngờ đó cũng không thể qua mặt được những bất ngờ xảy ra ở vòng trong. Trước hết phải nói đến chuyện hai ông khổng lồ Brazil và Argentina vượt vòng bảng như thế chẻ tre, khiến cả thế giới nghĩ chiếc cúp vô địch World Cup 2010 thuộc về Nam Mỹ. Không ngờ điều đó chẳng bao giờ trở thành sự thật vì cả Brazil lẫn Argentina đều rớt đài ở tứ kết. Trận Brazil thua Hà Lan 2-1 tạo cơn sốc bóng tròn quá lớn cho thế giới, nhưng cũng chưa lớn bằng trận thủ môn của Argentina bị cầu thủ Đức bắt vào lưới nhặt banh tới 4 lần.

Trận Brazil thua Hà Lan 2-1 tạo cơn sốc bóng tròn quá lớn cho thế giới, nhưng cũng chưa lớn bằng trận thủ môn của Argentina bị cầu thủ Đức bắt vào lưới nhặt banh tới 4 lần.

Nguyễn Khanh

Một vài bất ngờ khác nữa cũng xin được kể ra đây. Trước hết là bất ngờ của Anh và Đức. Cả hai hội tuyển này đều gặp vất vả ở vòng bảng, thoát được khó khăn để gặp nhau ở vòng 16 và không ai ngờ trận mưa banh diễn ra, Đức thắng Anh tới 4-1. Chiến thắng này cộng với trận thắng Australia 4 bàn trắng ở vòng bảng và chiến thắng 4-0 khi so giầy với Argentina ở tứ kết khiến Đức bỗng dưng trở thành hội mạnh nhất trong số 4 hội vào bán kết. Rất tiếc, mạnh nhất không có nghĩa là lúc nào cũng thắng, Đức thua Tây Ban Nha với tỷ số thật khít khao 1-0 và hội tuyển của xứ đấu bò lãnh vé vào chung kết.

Nói đến những chàng Matador của Tây Ban Nha thì cũng phải nói đến những bất ngờ. Trước ngày Giải Nam Phi 2010 diễn ra, thế giới đều dự đoán Tây Ban Nha sẽ lãnh giải, nhưng hy vọng gần như tiêu tan khi hội tuyển này thua Thụy Sĩ ở trận đầu của vòng bảng. Đã từng có lúc mọi người lo âu Tây Ban Nha cũng sẽ theo chân Pháp và Italy, nhưng cuối cùng họ cũng lấy được chiếc vé để đi tiếp ở vòng 16 và từ đó đến giờ, lấy lại được niềm tin của hội banh được cả thế giới mến mộ. Bằng chứng rõ nhất là mới sáng nay khi uống cà phê chung với nhau, các đồng nghiệp của tôi bảo rằng hơn nửa quả đất đã nghiêng về phía của Tây Ban Nha, tức là phần đông đều tin Tây Ban Nha sẽ đoạt giải năm nay. Đúng sai chưa biết, chỉ biết là ngay lúc này, Tây Ban Nha đã lấy lại được niềm tin của người ái mộ.

000_DV784546-250.jpg
Cổ động viên tuyển Brazil buồn bã sau trận tứ kết thua Hà Lan 2-1 hôm nay, 02/07/2010 tại Sân vận động Nelson Mandela Bay ở Port Elizabeth. AFP PHOTO / ANTONIO SCORZA
Thế còn Hà Lan thì sao? Nếu tôi nhớ không lầm thì trong một lần nói chuyện với Chị Khánh An, tôi có bảo rằng dường như thế giới đã quên hội tuyển áo màu cam, trong khi chính hội tuyển này đang tạo cơn lốc ở Nam Phi. May mắn, nhận xét đó của tôi đúng và rõ ràng đó là lần duy nhất tôi đoán đúng. Với nhiều người, chuyện Hà Lan thành công vẫn là điều ngạc nhiên, nhưng với tôi đó không phải là chuyện bất ngờ, lý do vì họ có đủ mọi điều kiện để đến Nam Phi trong tư thế một hội tuyển mạnh, ngay chính các bình luận gia thể thao cũng gọi Hà Lan là hội “sẽ gây ngạc nhiên” ở giải năm nay. Có thể là vì chúng ta dành quá nhiều chú ý cho Pháp, cho Đức, cho Anh, cho Brazil và cho Argentina, nên bỏ quên Hà Lan. Cho đến khi Hà Lan thắng Brazil ở tứ kết và thành công trong trận gặp Uruguay ở bán kết, lúc đó mọi người mới chợt nhớ ra rằng thế giới có một hội tuyển mang biệt danh “cơn lốc màu da cam”.

Trở lại với Chị Khánh An cho trận chung kết giữa Tây Ban Nha và Hà Lan, trước khi Chị đặt câu hỏi đầu tiên thì cho tôi nói thêm là cũng như mọi người, chính tôi cũng đang thắc mắc không biết đấu bò Tây Ban Nha hay xứ sở Hà Lan nổi tiếng về bò sữa sẽ thắng giải lần này. Khó đoán quá, hy vọng chị Khánh An đồng ý với tôi ở điểm đó.

Tinh thần đồng đội

Khánh An: Vâng, anh Khanh lần này quá khôn, đã rào trước là “Khó đoán quá!”, ý là Khánh An đừng hỏi hay bắt anh Khanh phải đoán phải không?

Bây giờ trước khi nói về trận đấu sắp diễn ra ở chung kết, vì anh Khanh có nói đến thất bại của những đội tuyển mà chúng ta ngỡ rằng họ sẽ tiến sâu hơn trong giải World Cup lần này nhưng họ đã thất bại, liên quan đến những đội tuyển này chắc chắn có những ngôi sao không có được cơ hội để xuất hiện trên bầu trời World Cup 2010 như Messi, Cristiano Ronaldo, Kaka, Wayne Rooney, Ribery…

Có những nhận xét cho rằng các ngôi sao năm nay hơi ích kỷ so với các năm trước, họ hành động theo kiểu ngôi sao, nghĩa là họ muốn tự ghi bàn nhiều hơn là đưa banh cho các đồng đội của mình. Thưa anh Khanh, đây có phải là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của các ngôi sao và đội bóng của họ?

Anh tiền vệ tóc dài này trả lời rằng điều anh mong là khán giả nhìn vào cả hội banh, kết hợp nhịp nhàng, chứ đừng chú ý quá mức vào một cầu thủ. Thắng là chiến thắng chung, bại là thất bại chung, chứ không phải là của một mình siêu sao.

BTV Nguyễn Khanh: Nếu bảo rằng các siêu sao kỳ này ích kỷ thì theo ý kiến của tôi, tôi nghĩ điều này không đúng đâu. Trong những trận banh tôi có mặt ở sân theo dõi qua màn ảnh truyền hình, tôi thấy các siêu sao bóng tròn thế giới thể hiện thật rõ tinh thần đồng đội, vì không ai chối cãi được là bài học lớn nhất mà họ được dạy từ khi còn bé, lúc mới bắt đầu làm quen với quả banh là một hội banh có 11 cầu thủ và xưa nay, chưa có một hội tuyển nào ích kỷ mà thành công cả.

Nếu phải đưa ra thí dụ về tinh thần đồng đội thì một chương trình phát thanh chẳng bao giờ đủ cả, nhưng tôi có thể đưa ra một vài dẫn chứng. Critiano Ronaldo là bằng chứng rõ ràng nhất, những đường banh anh đưa giúp bạn đồng đội ghi bàn thắng, Kaka cũng vậy, anh nhường banh để bạn đồng đội có thể tung cú dứt chắc ăn hơn. Trường hợp của Rooney thì sao? Anh đứng ở hàng tiền đạo, đợi banh và ra sức chạy theo banh, cú nào dứt được, anh dứt, cú nào bị hậu vệ đối phương cản đường, anh trả banh lại cho bạn để mở thế tấn công mới, chứ không phải anh muốn ăn một mình đâu. Ít nhất là những gì tôi nhìn thấy tận mắt cho tôi thấy là họ không ích kỷ như một số người đang phê bình họ.

Hậu vệ Bongani Khumalo của Nam Phi (áo vàng) tranh bóng với tiền  đạo Uruguay Diego Forlan trong trận đấu ngày 16 tháng 6 năm 2010 tại sân  vận động Loftus Verfeld ở Tshwane - Pretoria. AFP PHOTO / GABRIEL  BOUYS.
Hậu vệ Bongani Khumalo của Nam Phi (áo vàng) tranh bóng với tiền đạo Uruguay Diego Forlan trong trận đấu ngày 16 tháng 6 năm 2010 tại sân vận động Loftus Verfeld ở Tshwane - Pretoria. AFP PHOTO / GABRIEL BOUYS.
Tôi cũng biết là siêu sao thì mọi người sẽ chú ý tới, sẽ tìm chỗ sai, chỗ hở để phê bình. Đương nhiên đó là chuyện rất bình thường. Có lần trong cuộc họp báo của hội Uruguay, tôi có đặt câu hỏi với Diego Forlan về chuyện “sao” và không “sao”. Anh tiền vệ tóc dài này trả lời rằng điều anh mong là khán giả nhìn vào cả hội banh, kết hợp nhịp nhàng, chứ đừng chú ý quá mức vào một cầu thủ. Thắng là chiến thắng chung, bại là thất bại chung, chứ không phải là của một mình siêu sao.

Tôi cũng có thể đưa ra một thí dụ khác, nếu nhìn vào Brazil, chúng ta thấy ngay hàng cầu thủ phòng hờ của họ đã đủ để dựng một hội tuyển đẳng cấp thế giới, chứ đừng nói gì tới 11 cầu thủ được đưa ra sân. Nói cách khác, chị và quý vị thính giả cũng thấy Brazil là “hội tuyển toàn sao”, nhưng điều đó không có nghĩa là họ chưa ra sân đã thấy chiến thắng. Nhưng tâm lý của người xem, của khán giả và cổ động viên thì bao giờ cũng vậy, nếu Brazil thắng thì họ coi đó là chuyện bình thường. Đã là Brazil thì bắt buộc phải thắng! Còn nếu Brazil thua thì họ lại đổ lỗi cho “các sao”. Rất tiếc, thưa chị Khánh An và quý vị thính giả, tôi không chia sẻ quan điểm đó và không đồng ý với cái nhìn như vậy.

Cơn lốc màu cam hay xứ bò tót?

Khánh An: Vâng, bây giờ thì đến phần mà có lẽ anh Nguyễn Khanh ngại ngần nhất, đó là anh dự đoán thế nào về trận chung kết lần này, thưa anh? Liệu Hà Lan – cơn lốc màu da cam – có lên ngôi hay không? Hay xứ bò tót lại lên ngôi lần này?

BTV Nguyễn Khanh: Có lẽ chị Khánh An và quý thính giả cũng rõ là rất khó đoán ai thắng, ai bại ở trận chung kết, đặc biệt là chung kết World Cup. Tôi xin đơn cử một thí dụ, Hà Lan – đây không phải là lần đầu tiên họ vào chung kết, họ đã 2 lần đi tới đây, hồi 1974 và 1978, lúc đó cả thế giới đều tin hội thắng bắt buộc phải là Hà Lan thắng và cuối cùng là họ thua. Lần này như tôi được nghe nói thì hơn một nửa thế giới tin Tây Ban Nha thắng.

Tôi còn nghe ngay cả “thày bạch tuộc” Paul cũng chọn Tây Ban Nha. Mới sáng nay tôi lại nghe đâu bên Hồng Kông hay Trung Quốc gì đó có một con két chọn Hà Lan. Nhà báo chúng tôi có hỏi các cầu thủ về chuyện này, ai nấy đều bảo đó là chuyện nhảm nhí, họ không muốn nói tới nhưng chỉ có một người là anh hậu vệ Puyol nói rằng “mấy cái con đó chúng nó đâu có đá đâu, chính cầu thủ mới là những người ra sân tranh tài, giành nhau trái banh ở trận chung kết”.

Tôi chọn Hà Lan thắng Tây Ban Nha 2-1.

Nguyễn Khanh

Thành ra, ai thắng, ai thua, quả là quá khó đoán. Tôi thì thú thật với chị, tôi sợ lắm rồi, cả thảy tôi đã đoán 62 trận và thua cả 62 trận nhưng nếu mà chị Khánh An bắt phải đoán trận chung kết thì phải làm chứ tôi không đảm bảo đâu nhé. Tôi chọn Hà Lan thắng Tây Ban Nha 2-1.

Khánh An: Wow, vậy là anh Nguyễn Khanh chọn theo con két ở Hồng Kông, vậy thầy bạch tuộc lần này như thế nào? Khánh An chỉ nhớ trước khi diễn ra trận đấu giữa Đức và Tây Ban Nha thì tất cả dân hâm mộ Đức đã đòi xào con bạch tuộc này vì cho rằng bạch tuộc đã đoán sai khi chọn Tây Ban Nha thắng.

Thế nhưng bây giờ đã chứng tỏ bạch tuộc Paul chọn đúng rồi. Còn anh Khanh bây giờ lại chọn ngược lại! Chúng ta sẽ chờ xem lần này con két ở Hồng Kông hay con bạch tuộc Paul sẽ thắng nhé. Một lần nữa, Khánh An cám ơn anh Nguyễn Khanh và bây giờ chúng ta phải nói lời tạm biệt nhau thôi.

BTV Nguyễn Khanh: Vâng, cũng xin được cám ơn chị Khánh An và xin gửi lời chào đến quý vị thính giả của Đài Á Châu Tự Do.

No comments:

Post a Comment