Thursday, July 1, 2010

BÌNH CHỌN THẾ SỰ NỔI BẬT, ĐÁNG LƯU Ý TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2010


" Qua 3 lần sửa đổi lớn về Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, vấn đề cốt lõi đó là thể chế nhà nước của Việt Nam ngày càng trở nên xa rời những tư tưởng chủ đạo về chế độ dân chủ-cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập; tư tưởng đó được thể hiện nguyên bản trong Hiến pháp 1946…”

Phúc Lộc Thọ.

( Mời bà con bình chọn bổ sung thêm... )

1.Phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm Hải Phòng và đảo Bạch Long Vĩ về bảo vệ chủ quyền biển đảo:

Trong chuyến thăm và làm việc tại thành phố Hải Phòng từ ngày 30-3 đến 1-4, được 2 tàu hải quân hộ tống, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm đảo Bạch Long Vĩ, nói chuyện với quân dân trên đảo, Chủ tịch nước khẳng định: “Dù là đảo nhỏ nhưng Bạch Long Vĩ là tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và là hòn đảo tiền tiêu có ý nghĩa quan trọng cả về an ninh quốc phòng lẫn kinh tế - xã hội.

Không để bất cứ ai xâm lấn bờ cõi của mình, biển đảo của mình. Khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, quyết tâm không gì lay chuyển được của Đảng, Nhà nước. Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng”.

2. Một số ý kiến đáng lưu ý của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thủ tướng đã chỉ thị, chờ Thủ tướng làm ?!

-“Báo chí là diễn đàn của nhân dân. Rất mong báo chí hãy chắt lọc, lắng nghe và phản ánh những ý kiến sáng láng, xác đáng, những ý kiến phù hợp của nhân dân đóng góp cho Đảng. Đừng bỏ sót bất kỳ ý kiến hay, bất kỳ ý kiến xây dựng nào của người dân;

- Báo chí cần thông tin sắc bén, nhanh nhạy hơn nữa về bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền dân tộc.

-Việc đòi hỏi cung cấp thông tin của người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch về hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, là quyền chính đáng của người dân và doanh nghiệp”;

-Theo chương trình hành động do Thủ tướng vừa ban hành, trong thời gian tới, sẽ kiên quyết sắp xếp các tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý…”

3. Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc bắc-nam do Chính phủ đệ trình; báo chí cả lề phải và lề trái đều ghi nhận: đó là thắng lợi bước đầu của lòng dân và ý chí dân chủ.

Sau nhiều phiên họp thảo luận ở tổ và hội trường, chiều 19/6/2010 Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu xin ý kiến về chủ trương xây dựng tuyến đướng sắt cao tốc; kết quả 37,53 5 đại biểu tán thành,42,19 % không tán thành xây dựng tuyến đướng sắt cao tốc bắc-nam; có 34 đại biểu chiếm 6,9 % không biểu quyết.

4/ Một số Tướng lĩnh, cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng, gửi đơn tới các cơ quan chức năng về một số vấn đề thế sự đất nước:

-Đơn kiến nghị của Tướng Đồng Sĩ Nguyên và Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đề nghị Chính phủ xem xét, ngừng, hủy những dự án cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn, phòng hộ;

- Ý kiến của Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa trung ương Hữu Thọ đề nghị xem xét vị trị của Đảng trong các khẩu hiệu: Đặt Đảng trên dân tộc là trái với tư tưởng Hồ Chí Minh;

-Ý kiến của Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Vũ Mão trả lời phóng vấn báo Pháp luật t.p Hồ Chí Minh nhân sự kiện Quốc hội bỏ phiếu bác dự án đường sắt cao tôc băc-nam. ( * )

Ông Vũ Mão cho rằng:” Thay vì quyết định hết và QH chỉ pháp lý hóa, đến dự án này, Bộ Chính trị không quyết trước mà để QH thảo luận, quyết định. Ngay cả khi thăm dò ý kiến cho thấy tỉ lệ ủng hộ quá bán 57% rất mong manh cũng không có chỉ đạo nào về mặt đảng với các đảng viên trong QH là phải thông qua dự án mà Chính phủ trình… Kết quả của sinh hoạt dân chủ ấy, các đại biểu thoải mái nói lên suy nghĩ của mình và cuối cùng QH nói không với dự án ĐSCT. Nhưng kết quả đó cũng đem lại nhiều suy tư !”

Qua ý kiến của ông Vũ Mão cho thấy, trước đây nhiều vụ việc đưa ra Quốc hội biểu quyết là chỉ nhằm hợp pháp hóa, thực chất Bộ Chính trị đã quyết trước rồi mới đưa ra Quốc hội bàn sau. Qua vụ việc này, ông Vũ Mão cho rằng:”Ở mặt này, tôi nghĩ Bộ Chính trị và cả Chính phủ sẽ còn nhiều suy nghĩ, rút kinh nghiệm…”

5.Ý kiến của Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An trả lời phỏng vấn VietNamnet đề nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 ( * * ):

-“Tôi cho rằng các lần sửa đổi Hiến pháp sau này có một vài vấn đề cốt lõi lại xa rời hoặc lại không rõ ràng bằng Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.”

Qua ý kiến phân tích của ông Nguyễn Văn An, người đọc có thể hiểu:

" Qua 3 lần sửa đổi lớn về Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, vấn đề cốt lõi đó là thể chế nhà nước của Việt Nam ngày càng trở nên xa rời những tư tưởng chủ đạo về chế độ dân chủ-cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập; tư tưởng đó được thể hiện nguyên bản trong Hiến pháp 1946…”

Mặc dù Đảng đang luôn giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, phần mở đầu của Điều lệ Đảng ghi:”Ðảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động…”

Ông Nguyễn Văn An đã phân tích, chứng minh rõ điều này qua các ý kiến sau đây:

-“Điều 21 của Hiến pháp 1946 quy định: "Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo Điều 32 và Điều 70".

Điều 32 của Hiến pháp 1946 quy định: "Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa nhân dân phúc quyết, nếu 2/3 tống số nghị viện đồng ý".

Điều 70 của Hiến pháp 1946 quy định: "Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây... Khi được nghị viên ưng chuẩn, phải đưa ra toàn dân phúc quyết".

Những quy định trên đây của Hiến pháp 1946 có nghĩa rằng quyền lập Hiến hoàn toàn thuộc về toàn dân, thuộc về nhân dân, mà trực tiếp là cử tri cả nước.

Hiến pháp 1946 không có một điều nào, một ý nào quy định quyền lập Hiến thuộc về Quốc hội.

Còn Hiến pháp sửa đổi 1959 lại quy định Quốc hội có quyền lập Hiến và lập Pháp. Thay đổi quan trọng đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bất khả kháng là đất nước trong tình trạng chiến tranh và chia cắt hai miền Nam - Bắc; rồi chịu ảnh hưởng của mô hình cộng hòa Xô Viết,..

Điều 82 của Hiến pháp 1980 và Điều 83 của Hiến pháp 1992 quy định: "Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập Hiến và lập Pháp"...

Chúng ta nhận thấy ngay rằng đã có sự thay đổi rất lớn, rất cơ bản về quyền lập Hiến từ Dân đã được chuyển sang Quốc hội.

Câu hỏi đặt ra là ai có quyền chuyển quyền đó? Câu trả lời rõ ràng là chỉ có Dân mới có quyền đó. Song Dân chưa có văn bản nào chuyển quyền lập Hiến của Dân sang Quốc hội cả, mà là do chính Quốc hội tự quyết định giao quyền lập Hiến cho mình.

Có thể nói đơn giản thế này: Ai là người có quyền tối hậu trong lập Hiến thì người đó là người chủ đích thực của đất nước. Từ chỗ Dân làm chủ trực tiếp trong lập Hiến, chuyển sang chỗ Dân làm chủ gián tiếp thông qua Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của Dân. Như vậy có thể nói, từ Dân làm chủ đích thực chuyển sang Quốc hội thay mặt cho dân làm chủ.

Đó là sự thay đổi, sự xa rời rất lớn, rất cơ bản về người chủ đích thực của đất nước. Quốc hội vừa lập hiến, vừa lập pháp, người ta gọi như thế là vừa đá bóng, vừa thổi còi.”

Để trở lại nguyên gốc tư tưởng Hồ Chí Minhvề: Dân chủ, Cộng hòa, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Ông Nguyễn Văn An nhấn mạnh ba vấn đề:

5.1/- Dân được quyền phúc quyết Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, để cho đúng nghĩa với thể chế Dân chủ Cộng hòa, Dân là chủ đích thực của đất nước.

5.2/- Quyền của nguyên thủ quốc gia cần được tập trung hơn, nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, điều hành của cơ quan hành pháp.

5.3/- Phân công và kiểm soát quyền lực cần được cân bằng hơn, nhằm phòng ngừa sự lạm quyền và thoái hóa quyền lực, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và cơ hội trong hệ thống chính trị.

6/ Đồ án quy hoạch thủ đô Hà Nội năm 2030-2050 mời tư vấn nước ngoài tham gia được đưa ra công khai xin ý kiến đông đảo nhân dân và các nhà khoa học đã bộc lộ nhiều bất cập. Dư luận phản đối việc quy hoạch đặt Trung tâm hành chính quốc gia đặt tại Ba Vì; xây dựng Trục tâm linh đều thiếu cơ sở khoa học và các tiêu chí của một thủ đô văn minh hiện đại nhưng không được xa rời gốc rễ, truyền thống văn hóa-tâm linh của dân tộc.

7/ Những vấn nạn xã hội nhức nhối trong 6 tháng đầu năm:

-Việc tổ chức lễ hội tràn làn, xa rời những mục tiêu: tìm, hướng về cõi tâm linh, trong sáng mà đang có nguy cơ biến tướng trở thành nơi kinh doanh, đầu tư làm ăn, cầu danh, cầu chức, cầu quyền, cầu lợi…Trong 6 tháng đầu năm đã có 8000 lễ hội được tổ chức trong cả nước là một con số quá lớn các tổ chức lễ hội gây lãng phí về thời gian và tiền bạc.

-Bằng giả, thầy giả, bạo lực học đường gia tăng đặc biệt bạo lực lan sang cả giới nữ học trò.

- Những vụ án hình sự ngày càng gia tăng độ nghiêm trọng về tính chất man rợ: giết người hàng loạt, giết người chặt xác, đốt xác…Những tội phạm giết người không hoàn toàn là những phần tử côn đồ chuyên nghiệp… Tuổi hung phạm càng ngày càng trẻ và rơi vào lớp thanh niên có học.Điều này có một phần nguyên nhân từ các trò chơi điện tử đang bị buông lỏng quản lý.

- Bạo hành tra tấn dã man trẻ con xảy ra ở nhiều nơi mặc dù Việt Nam là quốc gia đầu tiên ký Thỏa ước Bảo vệ quyền trẻ em do Liên Hiệp quốc đề xuất.

8/ Tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17/5/2010, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thông tin về một loại tội ác mới nảy sinh trong Đảng cần phải bị loại trừ:

"- Chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng bản vị, cục bộ địa phương, tham vọng quyền lực, tranh công đổ lỗi... là nguyên nhân chủ yếu gây ra chia rẽ, bè phái. "Bệnh này rất tai hại cho Ðảng. Nó làm hại đến sự thống nhất" và thanh danh của Ðảng. Ðó là một tội ác cần phải loại trừ..."

9/ Nạn cắt điện tràn lan trong cả nước trong những ngày hè nóng bức cuối tháng 6/2010 này đã gây bức xúc dư luận và nhân dân; ngành điện và Chính phủ đã giải trình đổ phần lớn là nguyên nhân khách quan và những nguyên nhân chủ quan cố hữu; ngành điện đã cố tình không thừa nhận về những dự án đầu tư xây dựng các nhà máy điện không hoàn thành đúng tiến độ, có nhà máy thi công kéo dài tới 7 năm và khi vận hành lại trục trặc kéo dài là do bởi đã rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc.

Liệu sự thiếu điện tràn lan này có do ngành điện Việt Nam đã bắt tay quá chặt với các nhà thầu Trung Quốc nên đã đưa hiện tình ngành điện đến nông nỗi này ?!

P.L.T

* http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdao460/article?mid=931&prev=932&next=930;

** http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdao460/article?mid=933&prev=934&next=932

http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=5692

No comments:

Post a Comment