Friday, June 18, 2010

Đừng sợ, Trung Quốc sắp khốn đốn lớn

Đinh Quang Anh Thái & Nguyễn Gia Kiểng

( Đinh Quang Anh Thái, báo Người Việt, phỏng vấn Nguyễn Gia Kiểng )

Đinh Quang Anh Thái (ĐQAT): Trung Quốc ngày càng ngang ngựợc với Việt Nam: cấm ngư dân Việt Nam đánh cá, đưa công nhân vào khai thác bauxite tại Cao Nguyên, và mới đây, hàng trăm công nhân Trung Quốc võ trang dao gậy hành hung người Việt tại Thanh Hoá và Nhơn Trạch. Tình hình này do lỗi của ai?

Nguyễn Gia Kiểng (NGK): Việc các xí nghiệp Trung Quốc cho công nhân hành hung dân cư chung quanh vẫn thường xẩy ra tại Trung Quốc, đôi khi còn hung bạo hơn. Đây không phải là một vấn đề chính trị mà chỉ là một thói quen của người Trung Quốc.

Vấn đề là họ đang ở Việt Nam. Đáng lẽ chính quyền Việt Nam đã phải có biện pháp thích đáng.

Về việc Trung Quốc cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trên Biển Đông, cần phân biệt rõ ràng hai mặt kỹ thuật và thẩm quyền. Cấm đánh cá một thời gian mỗi năm để cho phép nguồn hải sản tái tạo là điều đúng; tuy nhiên cấm đánh bắt ở những nơi nào, vào lúc nào, đối với loại hải sản nào, trong thời gian bao lâu v.v… phải là một thỏa ước chung giữa các nước chia sẻ Biển Đông chứ không thể do một nước đơn phương áp đặt. Tại Châu Âu cũng có những qui định rất chi tiết về đánh cá trên Đại Tây Dương, nhưng là qui định của cả Liên Hiệp Châu Âu. Trung Quốc đã cư xử ngang ngược với thái độ của một thượng quốc. Đáng chú ý là thái độ của Trung Quốc và Việt Nam trong vụ này. Sau khi hải quân Trung Quốc bắt giữ, đánh đập và phạt tiền ngư dân Việt Nam theo quyết định đơn phương của họ thì, theo chính lời người phát ngôn của bộ ngoại giao Việt Nam, phía Việt Nam đã chỉ “giao thiệp” và “đề nghị” Trung Quốc không ngăn cản ngư dân Việt Nam và phía Trung Quốc đã trả lời ngắn gọn rằng việc cấm đánh cá trong mùa hè là cần thiết. Không khác gì một lời mắng mỏ: “cấm là đúng, các người ngu quá hay sao mà không hiểu?”. Và Việt Nam im lặng. Bắc Kinh đã cư xử như một thượng quốc và Việt Nam đã cư xử như một thuộc quốc. Trước đây Trung Quốc đã từng làm như vậy đối với Philippines, chính quyền Philippines đã phản ứng quyết liệt và Trung Quốc đã nhượng bộ. Philippines không có thái độ của một thuộc quốc nên đã không bị đối xử như một thuộc quốc.

- ĐQAT: Đồng bào trong và ngoài nước nên có thái độ nào với Trung Quốc?

NGK: Trước hết là thái độ không nên có: đó là thái độ bài Hoa, thù ghét người Trung Quốc. Trung Quốc và chúng ta là hai nước láng giềng có nhiều gắn bó về chủng tộc và văn hóa, một quan hệ hữu nghị và hợp tác chỉ có thể có lợi cho cả hai dân tộc. Ngược lại một quan hệ thù địch tạo một tình trạng căng thẳng tai hại. Hơn thế nữa nó còn đặt hai triệu rưỡi đồng bào ta thuộc hai sắc tộc Tày và Nùng vào tình trạng rất nhức nhối vì bên kia biên giới, trong tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc còn có gần 20 triệu người Choang cũng cùng một chủng tộc với họ. Nhận xét này dĩ nhiên không được cấm cản chúng ta bảo vệ những quyền lợi quốc gia chính đáng.

Trở lại câu hỏi của ông, Trung Quốc và Việt Nam cùng theo chế độ toàn trị. Khi vấn đề dân chủ hóa chưa giải quyết được thì thái độ của chúng ta, người Việt trong nước cũng như ngoài nước, chỉ có một tác động rất giới hạn trên các diễn biến. Người Trung Quốc cũng ở trong tình trạng bất lực tương tự như chúng ta. Tuy vậy chúng ta vẫn phải có thái độ, trước hết là thái độ với chính quyền VN. Họ không những quỵ luỵ trước Trung Quốc mà còn dùng bạo lực để đàn áp những người Việt Nam yêu nước dám bày tỏ sự phẫn nộ trước những hành động uy hiếp ngang ngược của Bắc Kinh. Cô Phạm Thanh Nghiên, các anh Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Hùng, Phạm Văn Trội, Trần Đức Thạch, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Mạnh Sơn đã bị bắt giam chưa xét xử từ gần một năm nay. Họ bị cáo buộc là đã căng biểu ngữ lên án Trung Quốc xâm lược, đồng thời đòi dân chủ. Trước đó nhiều người trong họ đã bị công an hành hung vì biểu tình ôn hoà trước sứ quán Trung Quốc. Đây cũng là những khuôn mặt dân chủ tích cực nhất hiện nay. Chúng ta cần lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa đòi trả tự do cho họ. Họ rất xứng đáng với sự quý trọng và sự hỗ trợ của chúng ta.

Chúng ta cũng cần tích cực vận động dư luận toàn quốc đòi nhà cầm quyền cộng sản đưa ra trước công luận và pháp luật quốc tế những hành động khiêu khích ngang ngược của Bắc Kinh. Điều đáng giận nhất hiện nay là Hà Nội cứ ngoan cố hy vọng giải quyết các mâu thuẫn qua quan hệ song phương giữa hai chính quyền mặc dù thực tế đã cho thấy chọn lựa này chỉ khuyến khích Trung Quốc leo thang trong chính sách chèn ép. Đây chỉ là chọn lựa dại dột của một kẻ yếu không dám chống cự trước một kẻ mạnh quyết tâm chèn ép. Chừng nào mà ngay cả chính đa số đảng viên cộng sản cũng phản đối chọn lựa này thì ban lãnh đạo cộng sản sẽ phải thay đổi thái độ. Đây là điều ta có thể vận động được.

Đối với Trung Quốc, điều mà chúng ta, người Việt Nam trong cũng như ngoài nước, có thể làm, ngoài việc vận dụng mọi cơ hội để tố cáo trước thế giới chính sách lấn chiếm của Trung Quốc, là tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Tác dụng kinh tế đến đâu còn tùy thuộc ở sự hưởng ứng của đồng bào, nhưng điều quan trọng là bầy tỏ sự phẫn nộ. Chúng ta phải hết sức minh bạch: chúng ta không hề thù ghét Trung Quốc, chúng ta chỉ phản đối sự lộng hành của những người cầm quyền Bắc Kinh và sẽ có thái độ thân thiện ngay khi Trung Quốc chứng tỏ thiện chí muốn giải quyết những vấn đề giữa hai nước trong tinh thần thỏa hiệp và tương kính.

- ĐQAT: Liệu Trung Quốc có dám gây thêm một cuộc chiến với Việt Nam như năm 1979; và nếu chiến tranh bùng nổ, người Việt hải ngọai nên chọn thái độ nào để một mặt, chung sức cùng đồng bào trong nước chống quân xâm lược, mặt khác không bị tiếng là tiếp tay cho chế độ cộng sản hiện nay?

NGK: Giữ nước là nhiệm vụ tối thượng, ngay cả nếu cần phải tiếp tay cho chính quyền cộng sản. Chế độ này rồi sẽ qua đi, không nên vì ghét nó mà làm ngơ trước những thiệt hại không thể đảo ngược được cho đất nước. Tuy vậy tôi nghĩ là sẽ không thể có một cuộc chiến Việt – Trung như năm 1979, ngay cả ở mức độ thấp hơn. Kinh tế Trung Quốc dựa vào xuất khẩu do đó Trung Quốc rất lệ thuộc vào dư luận thế giới. Hình ảnh Trung Quốc trên thế giới hiện nay đã khá xấu, một hành động gây chiến chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc bị lên án và hàng hóa bị tẩy chay. Đừng nên quên là biện minh duy nhất của chế độ cộng sản Trung Quốc là phát triển kinh tế, kinh tế mà sụp đổ thì sẽ có bạo loạn và chế độ cộng sản sẽ sụp đổ theo. Trung Quốc ngày nay không còn là Trung Quốc hồi Bước Nhẩy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa nữa, nó giàu có hơn nhiều nhưng cũng dễ chao đảo hơn nhiều. Sẽ không có chiến tranh dù Việt Nam có chính sách đối ngoại thế nào đi nữa. Ngay cả việc Trung Quốc đánh chiếm các đảo còn lại của chúng ta tại Trường Sa cũng khó hình dung vì thiệt hại sẽ quá lớn so với kết quả. Điều tối đa Bắc Kinh có thể làm là gia tăng khiêu khích trên Biển Đông, gây trở ngại cho Việt Nam trong việc khai thác hải sản và dầu khí, đồng thời mua chuộc những phần tử xấu để làm loạn ở biên giới phía Bắc, nhưng họ cũng không thể đi quá xa mà không gây phẫn nộ trong dư luận thế giới và bị tẩy chay.

Vả lại, trái với nhận xét hời hợt của một số chuyên gia, chính quyền Bắc Kinh đang gặp rất nhiều khó khăn và sẽ ngày càng bôi rối hơn nữa vì cuộc khủng hoảng kinh tế này. Xuất khẩu suy sụp trong khi tiêu thụ nội địa cũng giảm đi thay vì tăng lên. Không nên mắc lừa những con số. Tỷ lệ tăng trưởng 6% hiện nay mà Trung Quốc đưa ra không có gì bảo đảm là đúng, những con số của Bắc Kinh đều rất đáng ngờ vực. Mà cho dù tỷ lệ này có đúng đi nữa tình trạng kinh tế Trung Quốc cũng vẫn rất nguy ngập nếu ta nhìn sát hơn một chút. Chỉ có nhà nước bỏ tiền dự trữ ra chứ dân chúng không mua. Tình trạng này có thể kéo dài bao lâu? Trong vòng một năm qua Bắc Kinh đã xài gần một nửa tổng số dự trữ của họ, cái gì sẽ xảy ra khi số tiền dự trữ đã cạn? Và cho dù kinh tế thế giới có sớm phục hồi như Bắc Kinh hy vọng đi nữa thì cũng không bao giờ họ có thể xuất khẩu ở mực độ trước đây vì một trong những hậu quả quan trọng nhất của cuộc khủng hoảng này là từ đây Phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, sẽ phải cố giữ thăng bằng cán cân thương mại và không thể nhập siêu như trước. Đừng sợ, Trung Quốc sẽ rất khốn đốn.

Cũng cần nhìn rõ lý do khiến Hà Nội sợ Bắc Kinh. Đảng CSVN không sợ Bắc Kinh sẽ tấn công bằng quân sự, họ biết điều này sẽ không xảy ra. Họ thần phục Bắc Kinh để khỏi cô lập, họ cần dựa vào Bắc Kinh để duy trì chế độ độc tài đảng trị. Họ thừa biết họ bị nhân dân Việt Nam thù ghét.

- ĐQAT: Việt Nam có hy vọng gì lấy lại được Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng đất đã mất không?

NGK: Nếu chỉ lý luận trên bối cảnh địa lý chính trị hiện nay thì không. Điều tối đa ta có thể hy vọng là đừng mất thêm nữa. Chính sách khôn ngoan đối với Việt Nam là tiếp tục xác nhận chủ quyền Việt Nam trên Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, nhanh chóng dân chủ hoá và hội nhập với thế giới, và chờ bối cảnh trong vùng thay đổi. Vùng Đông Á sẽ còn chứng kiến những thay đổi rất lớn. Điều chắc chắn là Trung Quốc không thể tồn tại dưới hình thức hiện nay.

Dần dần cùng với trào lưu dân chủ hoá và toàn cầu hóa các biên giới chính trị hiện nay sẽ mất dần ý nghĩa và tầm quan trọng. Ngược lại, những quan hệ kinh tế và văn hóa sẽ dần dần tạo ra những liên minh mới. Trong cái nhìn này một số khối hợp tác sẽ hình thành trong và chung quanh Trung Quốc và sẽ có thực chất hơn nhiều so với các nhà nước hình thức, trong đó sẽ có một khối gồm hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, Việt Nam, Lào và Campuchia. Trong một tương lai xa hơn khối này có thể gồm cả tỉnh Quý Châu.

Trong khối này sự ràng buộc của Quảng Tây -hiện đã là một vùng tự trị – và Vân Nam – hiện đã có nhiều khu tự trị – với Bắc Kinh sẽ mờ nhạt dần. Việt Nam có vai trò trung tâm gần như tự nhiên với vị trí thuận lợi và dân số đông đảo nhất, gần một nửa dân số toàn khối. Việt Nam cũng có những ưu thế khác: bờ biển dài và tốt, kinh nghiệm tiếp xúc với các nước phương Tây, thông thạo ngoại ngữ hơn hẳn. Tiếng Việt, dù còn cần được cải thiện, cũng là một lợi khí lớn vì dễ học. Chúng ta cũng là một nước ít ảnh hưởng tôn giáo, đó cũng là một điểm mạnh. Ưu thế của Việt Nam càng mạnh nếu chúng ta trở thành một mẫu mực dân chủ và đa nguyên trong khối. Một khi khối này đã thành hình, đã có sự lưu thông tự do của người và hàng hóa trong nội bộ khối, thì vấn đề biên giới tự nó đã được giải quyết. Tóm lại thu hút Vân Nam và và Quảng Tây vào ảnh hưởng Việt Nam dễ hơn là chỉ muốn lấy lại những gì đã mất.

-ĐQAT: Dư luận tại Pháp, đặc biệt là chính phủ Pháp, có quan tâm đến tình hình Biển Đông và thái độ hung hăng của Trung Quốc hay không?

NGK: Không, hoặc không đáng kể. Chinh quyền cộng sản Việt Nam không báo động với dư luận thế giới. Vả lại Pháp ngày nay cũng chỉ còn là một cường quốc trung bình với nhiều vấn đề khó khăn của chính mình.

-ĐQAT: Vai trò của các tổ chức đấu tranh của người Việt hải ngọai trước tình hình này?

NGK: Có nhiều việc cần và có thể làm lắm, nhưng muốn có vai trò nào thì phải có thực lực trước đã. Tình trạng bi đát hiện nay là số người quan tâm đến tương lai đất nước và đóng góp cho cuộc vận động dân chủ sút giảm nhanh chóng. Tâm lý bỏ cuộc lan tràn một cách thật đáng buồn. Sau khi đã loay hoay bỏ nhiều công sức cho những hoạt động cùng lắm chỉ có thể gây tiếng vang nhất thời, người ta thất vọng vì không đạt kết quả nào đáng kể và bỏ cuộc thay vì rút ra kết luận đáng lẽ phải có ngay từ đầu là không thể giành thắng lợi cho dân chủ nếu không có một tổ chức dân chủ mạnh, và một tổ chức dân chủ mạnh chỉ có thể là thành quả của một cố gắng kiên trì và thông minh trong nhiều năm. Cuộc chiến đấu gay go nhất của những người còn ý chí và niềm tin trong lúc này là chiến đấu chống chủ nghĩa bỏ cuộc. Nhưng đó là một chủ đề nằm ngoài khuôn khổ cuộc phỏng vấn này.

Nguồn: báo Người Việt

No comments:

Post a Comment