Monday, June 14, 2010

Nụ cười thiếu muối + Nếu cán bộ chính phủ làm sai mà cách chức ngay thì… bầu không kịp!?!


Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng

Phó Thủ tướng cười hồn hậu. Ông thường xuyên mỉm cười. Đôi lúc ông bật cười thành tiếng hoặc hóm hỉnh cười. Cũng như hàng triệu cử tri, Tại hạ xem rất chăm chú nụ cười của người đứng thứ 2 Chính phủ. Ánh mắt ông tràn đầy sự tự tin. Khuôn mặt ông tươi tắn. Phong thái của ông điềm tĩnh, dứt khoát. Giọng nói của ông truyền cảm và nhiều sức thuyết phục. Nói không ngoa là cái cách Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng “làm chủ nghị trường” còn giỏi hơn một nghệ sĩ chuyên nghiệp làm chủ sân khấu. Nhưng bên cạnh những tươi tắn, điềm tĩnh đó đôi khi có cảm giác Phó Thủ tướng cũng cười móm mém. Phó Thủ tướng là người giản dị và lạc quan, Tại hạ nghĩ thế. Sự giản dị và lạc quan này sáng sáng vẫn hiển hiện trong hình ảnh ông chở cô vợ trẻ cỡ con gái út và đẹp không thua gì các hoa hậu đi ăn phở ở quán phở xếp hàng phố Lý Quốc Sư.

Tuy nhiên, vì nghị trường không phải là sân khấu, cho nên vấn đề làm chủ nghị trường đáng lẽ phải nằm ở chỗ những gì ông nói, chứ không phải cái cách ông nói. Và sự lạc quan, đáng lẽ phải dựa trên những gì ông có, chứ không phải là những “con cua sẽ được sinh ra” khi bản thân bố mẹ chúng còn chưa đến thời kỳ giao hoan trong lỗ.

Khi bác Lợi Cà Mau, người mấy hôm trước nổi tiếng với sáng kiến xây đường sắt cao tốc tuyến Hà Nội- Đồ Sơn hỏi rằng ông có “yên tâm” với ĐSCT, trong khi những cái nhỏ nhỏ (kiểu cầu treo vượt sông Pô Cô) còn chưa làm được, một câu hỏi mớm lời kiểu “đố bác biết con mèo đẻ ra con gì”, Phó Thủ tướng tủm tỉm một cách hân hoan để giải thích cho “cái yên tâm”, đồng thời trả lời cho câu hỏi “Tiền đâu” mà nàng tiên của nghị sĩ Nguyễn Minh Thuyết đã đặt ra: “GDP năm nay chỉ có 106 tỷ USD. Nhưng đến 2020 sẽ tăng lên 300 tỷ USD. Năm 2030 700 tỷ, đến 2040 ước đoán cỡ 1,2 – 1,4 nghìn tỷ. Đến 2050, khi hoàn thành toàn tuyến, GDP sẽ tăng gấp đôi”. Chừng như sợ các nghị sĩ chưa hiểu GDP là gì, hoặc đang say cơn phấn khởi, ông nói thêm, giọng chắc nịch: “Thu nhập bình quân đầu người hiện nay 1.200 USD, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD, và lần lượt tăng 6.000, lên 12.000 và sẽ đạt 20.000 năm 2050“. Sự lạc quan của những con nghiện khi trình bày lý do vay tiền, hoặc của một tân binh, với cách tính 4 năm lên 1 cấp thì 30 năm sau sẽ trở thành đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tức là chúng ta sẽ đạt được, bởi chúng ta “có tinh thần cách mạng”, thậm chí, còn có “quyết tâm chính trị”.

ODA là khoản vay có điều kiện của nước giàu đối với nước nghèo, thực chất là phương thức đầu tư tài chính, công nghệ và chính trị mang lại lợi ích cho chủ nợ. Việc vay vốn ODA là cần thiết, nhưng chỉ nên coi là nhất thời, giống như đứa trẻ cần bú sữa mẹ, vú nuôi hoặc xin sữa hàng xóm. Các nước đều nỗ lực giảm vay ODA, giống như đứa trẻ cứng cáp cần cai sữa mẹ. Chính phủ đã có kế hoạch “cai” ODA hay chưa?“. Đại biểu QH Dương Trung Quốc, râu tóc bạc trắng vừa trở về từ Trường Sa chất vấn. Rất đáng chú ý, đây gần như là câu chất vấn cuối cùng, dù là về vấn đề ai cũng biết là trọng đại, ảnh hưởng trực tiếp đến dự án ĐSCT và không đơn thuần chỉ là câu chuyện “thể diện quốc gia”.

Điều nực cười nhất là khi câu hỏi này được đưa ra, 1/3 hội trường đã cười, kiểu cười không thành tiếng. Thủ tướng Dũng cười nhạt nhất. Ông vừa cười vừa ngọ ngoạy trên ghế như muốn tránh cái nhọt ở… mông. Phó Thủ tướng thì mỉm cười. Bộ đôi Chính phủ cười là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi không lẽ họ khóc. Nhưng còn các nghị sĩ QH khác, họ cười không hiểu vì buồn cười với lối nói mỉa mai của sử gia-nghị sĩ họ Dương, hay cười vì đồng lõa với Chính phủ.

Phó Thủ tướng nói dài dài và kết luận: Chúng ta vẫn phải tranh thủ nguồn ODA. Thông điệp thế là quá rõ. Giờ thì chúng ta chỉ việc dự đoán sẽ chín mấy phần trăm các nghị sĩ sẽ bấm nút yes thông qua dự án ĐSCT. Giờ thì Tại hạ mới hiểu tại sao việc vay được bao nhiêu tiền cũng được tính là thành tích của Chính phủ. Và nụ cười móm mém của Phó Thủ tướng mới đáng yêu làm sao. Ông quyết lấy vợ trẻ nhưng cũng quyết không chịu làm người lớn, không muốn xa rời bầu vú, dù đó là bầu sữa hàng xóm, cũng bởi đó là bầu vú hàng xóm.

Theo Blog Đào Tuấn

———————————

Nếu cán bộ chính phủ làm sai mà cách chức ngay thì… bầu không kịp!?!

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói đùa hay thật?

Khi Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phát ra câu này này tại tại phiên họp Quốc hội toàn thể sáng ngày 12/6/2010, trong kỳ họp có nội dung bàn về chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc của Chính phủ; cử tri thấy nhiều đại biểu Quốc hội nhoẻn miệng cười vô tư như những ông Phật trong chùa. Trong khi một số đại biểu, người do cử tri bầu, thay mình bàn và quyết định các vấn đề liên quan tới sinh mệnh, danh dự, tài sản của quốc dân tại diến đàn Quốc hội vô tư “cười nụ” thì người ngoài, tức là cử tri xem cuộc họp này được truyền hình trực tiếp lại cảm thấy nhói tim, lại “khóc thầm”; cử tri thấy đau về ý kiến trên lắm bởi nếu họ mà sai thì sẽ bị trừng phạt và trả giá ngay lập tức, họ đâu có được tự do như quan chức Chính phủ…(Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm – Kiều)

Ý kiến trả lời chất vấn này của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng sao mà gần giống với câu nói của Tổng thống bù nhìn Việt gian bán nước Nguyễn Văn Thiệu khi sắp bỏ chạy khỏi Việt Nam? Chả nhẽ bối cảnh kinh tế-chính trị-xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay cũng giống với giai đoạn đầu những năm 70 của thế kỷ trước? Đó là khi mà chế độ Việt Nam cộng hòa đang ngụy ngập, hấp hối và sắp sụp đổ vì tham nhũng, vì đám quan chức ngụy quyền cam tâm làm tay sai cho ngoại bang…

Xin chia sẻ với các vị: Đường sắt cao tốc chẳng những khó làm mà làm rồi còn khổ hơn là không làm?! » Nguyễn Hải Hoành

Tổng thống Việt gian Nguyễn Văn Thiệu sau khi tuyên bố ra câu giống câu này, một thời gian sau đã bị buộc phải từ chức,chuồn sang Đài Loan ôm theo 14 tấn vàng của ngân khố Việt Nam cộng hòa như báo chí hồi đó loan tin…

Chính phủ mà ông Nguyễn Sinh Hùng là Phó Thủ tướng chả nhẽ cũng đang rơi vào nông nỗi:nếu nghiêm túc, minh bạch, sòng phẳng đúng kỷ cương, phép nước thì bầu và cử không kịp người thay thế những quan chức bị kỷ luật ư? Đất nước Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa tươi sáng và tốt đẹp nhất trần gian mà lại như vậy sao? Nhớ Nguyễn Trãi khi xưa từng viết: Vận nước lúc thịnh, lúc suy; Nhưng hào kiệt đời nào cũng có… Anh hùng hào kiệt nước Nam ta thời nay đâu rồi? Hy vọng đây chỉ là câu lỡ lời, câu nói đùa rất dễ dẫn tới vạ miệng của ông Phó Thủ tướng tại một diễn đàn nghiêm túc bàn việc nước sẽ được ông sớm cải chính, rút lại!

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận: trong hàng chục việc mà ông trực tiếp giải quyết cũng có đôi ba việc ông làm sai, làm hỏng thậm chí sai nghiêm trọng, điều này là bình thường vì Phó Thủ tướng, quan chức Chính phủ cũng là con người, cũng bị “vợ bìu con rín“… Điều không bình thường ở chỗ: ít khi cử tri thấy cá nhân từng thành viên Chính phủ, quan chức trong bộ máy Chính phủ đứng ra nhận sai, nhận lỗi cụ thể A,B,C,D… nào đó trước dân, với dân một cách tự giác, hồn nhiên… trừ khi bị đưa ra tòa.

Cử tri rất mong các ông thường xuyên dám tự nhận những cái sai cụ thể do các ông làm ra. Các ông đã làm sai điều gì, nhận khuyết điểm đến đâu và quan trọng là đã có cách gì để khắc phục chưa. Còn như nhận sai rồi lại để đấy, nhận sai rồi đổ cho cơ chế, cho tập thể, cho trời, đất, thời tiết… thì nhận sai kiểu ấy phỏng có ích gì?

Các ông đều tuyên bố là cần phải làm đường cao tốc Bắc-Nam, nhưng những lý do mà các ông nêu ra thì chưa thuyết phục được cử tri vì sao phải làm, đến đại biểu Quốc hội mà còn nhiều người phản đối? Mà tiền là tiền của nhân dân? Vậy Quốc hội đang hoạt động điều hành theo thể chế “dân chủ” hay “chính phủ chủ”?

Phó Thủ tướng nói ông yên tâm, ông nói cần và nhất thiết phải làm, ông nói Chính phủ đủ tiền để làm không đến nỗi vỡ nợ như Hy Lạp? Nhưng các ông lại không đưa ra được luận chứng nếu làm đường sắt tốn kém này thì mang lại lợi ích gì cho dân cho nước, có lãi không, có trả được nợ không, số đông người dân có đủ tiền mua vé để tham gia loại phương tiện này không? Liệu 56 tỷ USD này có là khoản tiền không chỉ tính vào giá thành kinh tế mà còn là “giá thành niềm tin và giá thành phát triển…” như một thành viên Chính phủ phát biểu… Trong lúc các đại biểu Quốc hội đang chờ nghe những lời giải thích thấu tình đạt lý để giám bức xúc, giảm stress thì ông lại sử dụng quyền lực Thủ tướng, dùng những lời lẽ khoa trương, đại ngôn để áp đặt chính kiến theo kiểu “cả vú lấp miệng em”, làm vậy thì dân làm sao mà cảm thông, mà không đau, không bức xúc ? Khi ông đã nói dứt khoát phải làm thì tranh luận lãi với ông, một người đang nắm quyền to trong tay làm gì cho phí sức!

Nếu dự án này có lợi về kinh tế tại sao các định chế tài chính quốc tế mời mà người ta không tham gia theo hình thức BOT? Điều này ông Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng đã phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. Không một quốc gia nào mặn mà; tức là người ta tỉnh táo nhìn ra khả năng không thu hồi được vốn đầu tư?!

Chả nhẽ Việt Nam quyết tâm bỏ ra 56 tỷ USD để đầu tư cho một dự án để phục vụ nhiệm vụ chính trị, để chứng tỏ mình là nước giàu có, khoa học-kỹ thuật tiên tiến; tức là nhằm mỗi mục đích giải quyết mỗi khâu “MIXTƠ OAI“ cho Chính phủ?!

Hiện Nhật, Tây Âu, và WB đã tuyên bố họ không tham gia vậy thì chỉ còn Trung Quốc chắc chắn là đối tác tiềm năng cuối cùng? Vậy Trung Quốc là ai, họ tốt xấu với Việt Nam như thế nào, hàng ngàn năm nay lịch sử vẫn còn ghi trong sử sách; ông là Phó Thủ tướng chắc ông nắm được nhiều thông tin hơn thảo dân này…

Tôi biết, sắp tới Chính phủ sẽ đưa ra Quốc hội để biểu quyết vấn đề này; trước khi biểu quyết chắc rồi cũng giống như lần xin ý kiến về việc sát nhập Hà Tây vào Hà Nội. Quốc hội đã phát phiếu thăm dò tới từng đại biểu và yêu cầu từng đại biểu ghi chính kiến của mình có ký tên?

Thao tác này thường được tiến hành song song với thao tác công tác Đảng trong nội bộ của từng Đoàn đại biểu Quốc hội. Các đoàn đại biểu bao giờ cũng có cơ cấu tổ chức Trưởng Đoàn và thường là Bí thư Tỉnh ủy hoặc cương vị cao về Đảng tại vùng miền của đại biểu Quốc hội. Khi Trưởng đoàn đã quán triệt cho các đảng viên của đoàn nội dung A,B,C,D… nào đó rồi thì điều đó nghiễm nhiên là chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về Đảng. Mà trong 19 điều quy định đảng viên không được làm là không được có ý kiến trái với ý kiến của cấp trên…

Hiện nay, về số lượng đại biểu Quốc hội có tới 92% đại biểu là đảng viên. Do đó, mọi thao tác bấm nút tán thành này nọ, đôi khi là do các đại biểu vì ý thức chấp hành mệnh lệnh của tổ chức Đảng mà bấm, chứ chưa chắc đó đã là thể nguyện của số đông dân chúng. Sở dĩ phải nêu ra điều này để Chính Phủ và Quốc hội cần lường trước những mặt trái của hình thức dân chủ này!

Thưa Phó Thủ tướng, quan chức Chính phủ trong đó có ông có thể làm sai nhưng Chính phủ vẫn tồn tại, vẫn tại vị, vẫn nhận lương và bổng lộc đều đều; Điều này hoàn toàn khác với một đoàn tàu cao tốc chỉ cần sai một chi tiết, một thao tác kỹ thuật là cả đoàn tàu cùng với sinh mạng của hàng ngàn con người sẽ lao vào hố thảm họa! Và chỉ cần vài vụ thảm họa thì dân có cho kẹo người ta cũng không đi, vì vừa đắt vừa không an toàn!

Cái dự án này nếu sai, nếu không hiệu quả thì đời con, đời cháu sẽ nai lưng ra mà trả nợ một khoản tiền không nhỏ một tí nào ? Lúc đó ông và người viết bài này chắc chắc cũng đã trở thành người thiên cổ; do đó có muốn quay lại nhận lỗi hay có hình thức gì đó mong để chuộc lỗi, đền bù thì cũng đã hết cách!

Ông và Chính phủ gồm những quan chức mà “nếu làm sai bị kỷ luật ngay thì bầu và cử không kịp…” có thấu cho nỗi lo lắng, đau lòng này của trăm họ đang lầm than, đang phải cơ cực kiếm từng đống xu nhỏ để nuôi sống vợ con và đang phải chịu cái cảnh mùa hè nóng trên 40 độ mà không có điện thường xuyên kéo dài; một số nơi còn không có cả nước sinh hoạt ?

Một quốc gia cũng như một gia đinhg, cho dù đã có của ăn của để, việc trước tiên là phải nghĩ cách đầu tư để làm ra của cải; điều thứ 2 là của cải làm ra rồi thì làm sao quản lý cho tốt, cho nó mang lại hiệu quả cao nhất, không lãng phí, không hoang phí. Còn đi vay đầu tư đầu tư cho cơ sở hạ tầng thì phải xem những hạ tầng nào xét thấy không thể không đầu tư; còn những cơ sở hạ tầng mà chưa làm chưa chết ai, là thứ để chơi sang như tàu cao tốc thì khi nào dư giả mới nghĩ tới? Còn nếu đầu tư để sinh lợi thì phải tính toán thật chắc ăn rồi mới đi vay để đầu tư?

Người Việt Nam đang bức xúc vì bệnh viện quá tải, điện sinh hoạt đáp ứng chưa được một nửa, tại nhiều địa phương điện được cấp ngày 1 cắt một ngày trong những ngày hè nóng bức; giao thông tại các thành phố lớn thì ách tắc; mùa mưa thì úng ngập như biển.Rồi thì 2 vựa lúa đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới, chính ông cũng đã phát biểu ra điều này! Vậy thì tìm cách để nó không bị ngậm mặn nếu nay mai nước biển sẽ dâng 1 m? Nếu có vay hàng trăm tỷ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng này thì đảm bao nhân dân sẽ sẵn sàng cùng Chính phủ thắt lưng buộc bụng mà làm…

Nếu nghĩ tới tương lai thì sao Chính phủ không vay tiền để đối phó với biến đối khí hậu? Xem đoạn biển nào có khả năng tôn lên, làm đê kè để chống xâm lấn biển.

Tại sao Hà Nội không quy hoạch theo hình thức dãn dân, không tập trung vào Láng Hoà Lạc cho xong để kéo dân ra khỏi nội đô là bới ra chuyện đưa trung tâm hành chính lên Ba Vì làm xao xác lòng dân. Láng Hoà Lạc có quy hoạch rồi, có vốn được Nhật bản cấp rồi sao không tập trung đẩy nhanh tiến đô mà kéo dài hết năm này sang năm khác?

Còn đầu tư cho dự án đường cao tốc là dự án xa xỉ giành cho khách sang, lắm tiền và chỉ thích hợp với cung đường dăm bảy trăm km. Bởi nếu cung đường này mà sử dụng máy bay thì máy bay chưa lên đã xuống nếu là máy bay to; máy bay nhỏ thì chở không được nhiều khách. Còn cung đường dài trên ngàn km thì phương tiện hàng không là tối ưu nhất về mọi phương tiện…

Qua việc đề ra chủ trương này cho thấy, Chính phủ chưa có biện pháp gì hữu hiệu để thúc đấy các tập đoàn nhà nước nắm một nguồn lực kinh tế, vốn liếng lớn nhằm làm ra nhiều của cải, sản phẩm cho xã hội. Tập đoàn điện lực VN là một ví dụ. Để tình trạng thiếu điện nghiêm trọng như hiện nay mà vẫn cư yên tâm lĩnh lương, lĩnh thưởng thì kể cũng lạ. Trong khi những cái sát sườn với quốc kế dân sinh thì Chính phủ bắt tay giải quyết rất chậm; từ đầu năm Thủ tưởng tuyên bố sẽ giải thể, sẽ ký luật những tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn không hiệu quả mà nửa năm trôi qua nào đã thấy kỷ luật được ai? Trong khi đó Chính phủ lại quyết liệt việt đề nghị Quốc hội chấp nhận cho đi vay tiền để đầu tư cho những dự án mà chưa chứng minh được tính cấp thiết và hiệu quả? Chính phủ chỉ nghĩ cách tiêu tiền trong cái phiên họp, kỳ họp mang dấu ấn chợ chiều. Chợ chiều là phiên chợ thường xảy ra nạn tranh mua, tranh bán? Mà nếu Chính phủ đi vay thì lại đi vay ông bạn vàng Trung Quốc chứ vay được ai? Có âm mưu, có móc ngoặc gì với Trung Quốc trong vụ tàu cao tốc này không? Không dưng tự nhiên vô cớ đi vay tiền Trung Quốc để làm cái chuyện trời ơi đất hỡi…

Thật đáng lo lắm thay, thật đau lòng lắm thay !

Phúc Lộc Thọ

No comments:

Post a Comment