Tuesday, June 22, 2010

Bản tin tổng hợp TGNV ngày 22.6.2010 - Tin Việt Nam

Hàng trăm cư dân Thái Bình biểu tình phản đối cắt điện
Đức Tâm, rfi
Nhà máy thủy điện Hòa Bình

Wikipedia
Theo hãng tin DPA, nguồn tin công an Việt Nam cho biết là hàng trăm người dân tỉnh Thái Bình đã biểu tình trong hai ngày, 18 và 19/06/2010 để phản đối các vụ cắt điện. Họ đã vây ráp, buộc một số nhân viên điện lực và quan chức địa phương phơi nắng, hoặc nhốt trong nhà kín để chịu cảnh nóng bức.
Theo lãnh đạo công an huyện Quỳnh Phụ, hôm thứ bẩy 19/06, hơn 600 nông dân địa phương đã buộc các lãnh đạo xã phải đi cùng họ đến trụ sở chi nhánh Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN.
Báo chí trong nước cho biết thêm là đám đông còn bắt một số quan chức chính quyền và nhân viên công ty phải ngồi phơi nắng. Một số người khác bị giam trong một ngôi nhà, không có điện, cửa sổ đóng kín, trong vòng một ngày với cái nóng lên tới 39°.
Một công an xin dấu tên của tỉnh Thái Bình cho biết đây là vụ biểu tình thứ hai tại khu vực này để phản đối việc cắt điện.
Người dân huyện Quỳnh Phụ rất phẫn nộ trước việc cắt điện không báo trước trong lúc họ đang cố gắng bơm nước thủy lợi cho vụ mùa mới. Còn các gia đình giàu có thì chi tiền cho nhân viên điện lực để được có điện liên tục.
Một người dân ở đây cho rằng họ bị phân biệt đối xử, cung cấp điện không công bằng, chỗ có điện, chỗ bị cắt mà không có giải thích rõ ràng.
Trong những tháng này, Việt Nam đang rất thiếu điện. Nguồn thủy điện bị giảm do hạn hán. Theo giới chuyên gia, nhu cầu về điện tại Việt Nam tăng khoảng 15% mỗi năm.
Xem lại:
Hình ảnh người dân tại thành phố Basra, miền nam Irag, đã tràn ra đường biểu tình phản đối tình trạng thiếu điện, cúp điện tại thành phố này. Người Việt Nam đã chịu cảnh này trên 70 năm nay, còn phải "khắc phục" đến bao giờ?



Tập đoàn Nga ‘xây dựng nhà máy điện hạt nhân VN’
Tập đoàn nhà nước của Nga, Rosatom, đã được chọn tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam
VOA-Thứ Hai, 21 tháng 6 2010
Hình: Photos.com

Ngoài Nga, các công ty của Nhật, Pháp và Mỹ cũng muốn tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.
Tập đoàn nhà nước của Nga, Rosatom, đã được chọn tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ Hạt nhân, nói rằng công ty của Nga ‘sẽ giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên’.
Ông Cục trưởng cho biết thêm rằng đối với các nhà máy khác, Việt Nam ‘sẽ mời thêm các nhà thầu Hoa Kỳ, Nhật Bản và Pháp vốn từng cho thấy muốn tham gia vào các dự án đó’. Ông Nhân không nói cụ thể tên các tập đoàn này.
Ông Nhân còn cho hay, Việt Nam dự tính xây dựng khoảng 10 nhà máy điện hạt nhân, và nhà máy đầu tiên dự kiến sẽ khởi công tại tỉnh Ninh Thuận vào năm 2014.
Việt Nam đang phát triển thêm các nguồn năng lượng mới nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng của người dân, trong khi tăng trưởng kinh tế tới năm 2020 được dự báo sẽ đạt trung bình khoảng 8%.
Thời gian qua, người dân các thành phố, trong đó có Hà Nội và TP HCM, đã phải chịu cảnh cắt điện luân phiên vì ‘cung không đủ cầu’.
Hãng tin Bloomberg trích lời ông Nhân cho hay Việt Nam đang xúc tiến phát triển các nhà máy điện hạt nhân nhanh chóng để bù đắp vào sản lượng điện thiếu hụt từ các nhà máy thủy điện.
Rosatom, công ty năng lượng nguyên tử có trụ sở ở Moscow, tháng trước đã ký hợp đồng xây dựng 4 lò phản ứng hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ với giá khoảng 20 tỷ đôla.
Trong khi đó, ông Ngô Đặng Nhân từ chối ước tính giá trị của nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam.
Được biết, công ty con của Rosatom là Atomstroyexport ZAO sẽ ‘phụ trách toàn bộ quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam’.
Ngoài Nga, các công ty của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Pháp cũng bày tỏ mong muốn tham gia các nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.
Mới đây, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần bắt đầu ngay việc thực hiện các biện pháp an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong vòng 10 năm tới.
Việt Nam gần đây cũng ban hành qui định cấm việc sử dụng, tàng trữ hay mua bán các loại nguyên liệu và thiêt bị hạt nhân hay đưa thông tin sai lệch về vấn đề này.
--------------------------------
Ý kiến:
Thứ Hai, 21 tháng 6 2010 ngáo (VIET-NAM)
XIN chúc mừng tập đoàn ROSATOM đã giành được hợp đồng,và cũng xin chia buồn với bà con cô bác có nhà cửa đất đai trong dự án,cũng như trong bán kính an toàn,hãy mau chóng di dời ,đi càng xa càng tốt,sống như người du mục,biết đâu cái thứ hai,thứ ba,gần chổ vừa mới tới thì khổ,mong bà con có đầy đủ sức khỏe cho công cuộc chạy nạn và trã nợ quốc gia.
Thứ Hai, 21 tháng 6 2010 TRUONG TRUONG
Ưu tiên cho Nga là phải thôi vì Nga quá rành về các sự cố hạt nhân có thể giúp gỡ rối vì cái thói ta cộng vô trách nhiệm ngay từ đầu các dự án. Tiền trước tiên mà!



Cựu Quốc vương Campuchia tới VN lần đầu trong vòng 15 năm
Cựu Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk và các thành viên gia đình hoàng gia sẽ có ‘chuyến thăm hữu nghị’ tới Việt Nam
VOA-Thứ Hai, 21 tháng 6 2010
Hình: AP

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Cựu Quốc vương Campuchia tới Việt Nam trong vòng 15 năm qua.
Cựu Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk và các thành viên gia đình hoàng gia sẽ có ‘chuyến thăm hữu nghị’ tới Việt Nam để củng cố quan hệ.
Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam cho biết ông Sihanouk, một trong các quốc vương trị vì lâu nhất ở châu Á, sẽ cùng phu nhân và con trai, Quốc vương Norodom Sihamoni, sẽ thăm Việt Nam trong ba ngày (từ 22 tới 25/6).
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Cựu Quốc vương Sihanouk tới Việt Nam trong vòng 15 năm qua.
Hãng tin AFP đưa tin rằng tâm lý chống Việt Nam vẫn còn lan rộng ở Campuchia, và mối bang giao Hà Nội – Phnom Penh đặc biệt căng thẳng liên quan tới vấn đề biên giới.
Trong khi đó, chính phủ Việt Nam nhận định, quan hệ Việt Nam - Campuchia ‘đang không ngừng được phát triển với phương châm ‘hợp tác láng giềng tốt đẹp, đoàn kết hữu nghị truyền thống, ổn định lâu dài”.
Hãng thông tấn của Pháp trích lời ông Sihanouk nói trong một thông cáo rằng chuyến thăm của ông tới Việt Nam ‘hoàn toàn mang tính cá nhân’ vì ông ‘không còn ‘đảm đương chuyện triều chính’.
Campuchia và Việt Nam có chung 1.270 km đường biên giới, và hai bên đã chính thức bắt đầu cắm mốc giới hồi tháng 9 năm 2006 sau hàng thập kỷ tranh cãi về lãnh thổ.
Năm 2009, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia vẫn đạt trên 1,4 tỉ USD, tăng khoảng 30% so với năm 2008.
Nguồn: AFP, Chính phủ Việt Nam



Vatican sẽ tiếp tục đàm phán về bang giao với Việt Nam
Trọng Nghĩa, rfi
Giáo dân tham gia thánh lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội ngày 06/06/2010

Tổng Giáo Phận Hà Nội
Trong một thông cáo ngày 21/06/2010, Tòa Thánh xác nhận: một cuộc họp của "nhóm công tác hỗn hợp" Việt Nam - Vatican sẽ diễn ra hai ngày 23 và 24/06/2010 tại Rôma. Mục tiêu là nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Đây là cuộc họp thứ hai sau lần đầu tổ chức tại Hà Nội vào hai ngày 16 - 17/02/2009.
Theo hãng tin Asianews của Bộ Truyền Giáo Vatican, phái đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Thanh Sơn dẫn đầu đã có mặt tại Rôma. Trong đoàn còn có các quan chức Bộ Công An và Ban Tôn Giáo Chính Phủ.
Theo Asianews, "cuộc họp có mục đích chính thức là thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương", nhưng những người Công Giáo Việt Nam hy vọng là sự kiện này sẽ cho phép tái lập một bầu không khí "tin tưởng" lẵn nhau giữa Vatican và Việt Nam.
Theo hãng tin Pháp AFP, hai bên đã khởi động tiến trình xích lại gần nhau được đánh dấu bằng chuyến viếng thăm Vatican lịch sử của Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2007, nối tiếp bằng chuyến đi thăm hồi tháng 12/2009 của chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết. Theo AFP, đó là lần đầu tiên mà nguyên thủ một quốc gia Cộng Sản bước qua ngưỡng cửa Tòa Thánh.
Sau cuộc tiếp xúc giữa Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 với chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tòa Thánh Vatican đã nhận định rằng cuộc hội kiến đánh dấu "một chặng đầy ý nghĩa cho tiến bộ trong quan hệ song phương". Vatican đồng thời bày tỏ hy vọng rằng "các vấn đề đang tồn tại có thể sớm được giải quyết".
Từ đầu năm 2009, hai bên đã khởi động những cuộc thảo luận chưa từng thấy về mặt kỹ thuật, với cuộc họp đầu tiên của nhóm công tác hỗn hợp về thiết lập bang giao.
Tuy vậy, theo AFP, nhiều vấn đề vẫn tồn tại trong quan hệ giữa hai bên, đặc biệt là vấn đề đất đai của Giáo Hội để lại Việt Nam sau khi người Pháp rút đi vào năm 1954, và sau khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975. Trung tâm Hà Nội trong thời gian gần đây đã nhiều lần trở thành nơi diễn ra các cuộc biểu tình của người Công Giáo đòi trả Tòa Khâm Sứ lại cho Giáo Hội.



Báo nước ngoài vẫn "nóng" vì ĐSCT Việt Nam
21/06/2010 20:48:45
- Báo chí nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, ngày hôm nay 21/6 tiếp tục đăng tải thông tin về việc Quốc hội Việt Nam bác dự án ĐSCT Bắc Nam với tổng dự toán đầu tư 56 tỷ USD.
Dự án ĐSCT của Việt Nam sẽ tiếp tục được tính toán kỹ lưỡng hơn.

Tờ báo Asahi của Nhật Bản số ra ngày hôm nay có tin nhan đề “Việt Nam bác kế hoạch Shinkansen” cho rằng “nỗ lực xuất khẩu cơ sở hạ tầng của Nhật Bản đã thất bại khi Quốc hội Việt Nam bác Dự án xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc trị giá 55,8 tỷ USD”.
Viện dẫn do chi phí quá cao, Quốc hội hôm thứ Bảy đã bỏ phiếu bác đề xuất của Chính phủ Việt Nam xây dựng một vài đoạn trong tổng số 1.500 km đường sắt cao tốc nối Hà Nội và TP.HCM đến năm 2025 trước khi hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035. Tuy nhiên, các phiên thảo luận tiếp theo sẽ đưa ra kết luận cuối cùng trong kỳ họp tới vào mùa Thu. Báo Asahi viết rõ: “Đề xuất này dự kiến chọn hệ thống tàu Shinkansen của Nhật Bản”.
Tờ báo viết: “Các nhà lập pháp phản đối kế hoạch do chi phí tương đương với hơn một nửa GDP của Việt Nam. Họ cũng lo ngại về kế hoạch tài chính khi phụ thuộc vào ODA của Nhật Bản và khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chiếm tới 70% chi phí dự án. Trước đó, hồi tháng 5 Bộ trưởng Giao thông Seiji Maehara đã thăm Việt Nam và gặp người đồng cấp của Việt Nam để “rao hàng” công nghệ Shinkansen”.
Tờ Bưu điện Bangkok viết: “Cơ quan lập pháp của Việt Nam hôm thứ Bảy đã bác Dự án xây dựng đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD sau khi cho rằng cần dành sự ưu tiên cho nhiều nhu cầu cơ bản khác. Trong một quyết định hiếm thấy của Quốc hội, cơ quan thường xuyên ủng hộ các đề xuất từ phía Chính phủ, các đại biểu yêu cầu phải nghiên cứu kỹ hơn kế hoạch này”.
Bưu điện Bangkok trích dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới cho biết, thâm hụt ngân sách của Việt Nam năm 2009 ở mức “rất cao” là 8,4% GDP. Nợ công vào khoảng 47,5% GDP được WB đánh giá là ở mức cao nhưng có thể “chịu đựng được” nếu chính phủ thận trọng.
Tờ báo Thái Lan này cho biết: “Các quan chức Nhật Bản cho biết Chính phủ Việt Nam đã đồng ý chọn công nghệ Shinkansen cho đường sắt nếu Dự án được thông qua”.
Bảo Minh (Tổng hợp)
Báo Trung Quốc nói về nợ công và dự án 56 tỷ của Việt Nam
VIT - Theo số liệu do Việt Nam công bố, năm 2009 nợ công của Việt Nam chiếm 41,9% GDP, nhưng EIU [1] của Anh Quốc lại cho rằng nợ công của Việt Nam chiếm 52,1% GDP; Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA ước tính con số này vào cỡ 52,3%. Ngân hàng thế giới WB ước tính là 47,5%.Dưới đầu đề “Dự án đường sắt cao tốc Việt Nam có thể bị cản trở vì vấn đề nợ”, website “Đường sắt nhân dân” (peoplerail.com) của Trung Quốc ngày 10/6 viết:

Truyền thông Việt Nam mấy ngày nay liên tục đưa tin: tuy chính phủ Việt Nam đã bổ sung giải trình về dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT), nhưng vẫn bị nhiều đại biểu Quốc hội kiên quyết phản đối.
Các lý do phản đối chủ yếu gồm:
1. Hiện nay nguồn lực tài chính của Việt Nam chưa đủ, dự án này sẽ làm tăng mạnh gánh nặng nợ nần;
2. Hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án ĐSCT không cao;
3. Dự án này ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.
Các tin liên quan cho thấy: nếu thực thi các siêu dự án đã lên kế hoạch, như hệ thống cảng biển (5 tỷ USD), nhà máy điện hạt nhân (10 tỷ USD), sân bay Long Thành (12 tỷ USD), 18 tuyến đường ô tô cao tốc (48 tỷ USD), quy hoạch xây dựng thủ đô (60 tỷ USD), lại thêm dự án ĐSCT (56 tỷ USD) thì Việt Nam sẽ nợ bao nhiêu?
Tuy số liệu của các bên có khác nhau nhưng không thể phủ nhận là nợ công của Việt Nam ngày càng tăng lên. Trong tương lai Việt Nam sẽ đứng trước sức ép trả nợ rất lớn và vẫn sẽ phát hành trái khoán đô-la Mỹ.
Ghi chú của người dịch:
[1] EIU tức Economist Intelligence Unit, một cơ quan tư vấn hàng đầu thế giới, phục vụ báo The Economist
TS. Nguyễn Hải Hoành



Kẻ khóc, người cười sau sốt đất Hà Nội
Trong cơn sốt quay cuồng vừa qua, nhiều người kiếm bộn tiền song cũng không ít trường hợp khuynh gia bại sản chỉ vì đổ xô mua đất Hà Nội theo tâm lý đám đông, đồn thổi.
Anh Thế Học, nhân viên PR của một tập đoàn lớn là trường hợp may mắn trong cơn sốt đất vừa qua. Có người bạn học phổ thông là cò đất chuyên nghiệp tại khu vực Gia Lâm tư vấn, anh quyết chí đổi đời bằng đầu tư bất động sản. Tích góp suốt từ năm 2008, huy động đủ mọi nguồn lực bổ sung, anh có trong tay hơn một tỷ đồng.
Lùng sục khắp nơi từ nội đến ngoại thành, cuối cùng anh quyết định đầu tư 53 m2 đất nền ở khu vực Gia Lâm với giá 25 triệu đồng mỗi m2. Hơn một tháng sau, giá đất lên tới 34 triệu đồng. "Chỉ trong khoảng 2 tháng đã lãi được gần 500 triệu đồng. Trong khi một tháng, ky cóp bỏ lợn mãi cũng chỉ được khoảng 4-5 triệu đồng", anh Học hồ hởi nói.
Tiền lãi anh lại tiếp tục đầu tư đất làng ở huyện Thanh Oai gần mặt đường to với giá một triệu đồng một m2. Hai tuần sau, đất đã lên tới 3 triệu đồng. Giá đất thổi liên tục, anh nhanh tay lướt sóng rồi tiếp tục mua đi bán lại, tổng số lãi lên tới gần 3 tỷ đồng.
Cần quản lý tốt để tránh trường hợp đầu cơ, kích giá. Ảnh: Hoàng Hà

Bác Đắc Lân ở thôn Cao Mật, Thanh Oai cho biết, cả làng không biết bao nhiêu người đã đổ xô cắt đất vườn để bán, thu về hàng trăm triệu đồng. Không ít người mua xe tay gas phóng vèo vèo, rồi sắm cả tivi LCD để xem.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn. Cơn sốt đất diễn ra chỉ trong khoảng 2 tháng cũng khiến không ít người khuynh gia bại sản. Lan Anh, nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội, cho hay, thấy cơn sốt đất lan rộng, chị cũng tấp tểnh đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, Lan Anh đang khốn khổ với khoản đầu tư của mình.
Trong đợt sốt đất vừa qua, cô đã nhanh tay "ôm" hai lô đất rộng 100 m2 ở dự án Chi Đông, Mê Linh với giá 10 triệu đồng mỗi m2. Để mua được hai lô đất này, bố mẹ Lan Anh phải bán gần 70 m2 ở quê nhà Phủ Lý và vay thêm tiền ngân hàng.
Trong khi đất sốt, hàng chục người hỏi mua và đã có lãi thì cô lại chưa muốn bán, chờ giá tiếp tục lên. Bất ngờ, thị trường chững lại, Lan Anh chỉ còn biết khóc dở mếu dở. "Mới chỉ đóng 50% tiến độ, một tháng sau mà không lo được một tỷ đồng còn lại tôi sẽ buộc phải bán lúa non, ước chừng lỗ khoảng 500 triệu đồng", Lan Anh ngán ngẩm.
Khu vực phía Tây sau một thời gian sôi động giờ đã vắng bóng người mua. Kẻ thức thời, nhanh nhạy đã xả hết hàng, thu về tiền tỷ. Người chậm chân chỉ còn biết ngẩn ngơ nhìn thị trường xuống dốc. Thế nhưng, không chỉ có người buôn đất nghiệp dư lâm vào tình trạng sống dở chết dở mà chính dân đầu tư bất động sản chuyên nghiệp cũng mắc cạn.
Anh Hưng, một môi giới đồng thời là nhà đầu tư cho biết, ngay từ khi khu vực phía Tây chưa sốt, anh đã tranh thủ mua hơn 1.000 m2 ở thôn Mái, xã Yên Bài, huyện Ba Vì gần mặt đường với giá 1,8 triệu đồng một m2. Chưa thỏa mãn, anh ôm cả 4 lô đất ở khu Geleximco hết gần 8 tỷ. Đến nay, thị trường xuống dốc, bán đi không được, giữ lại thì bị đọng vốn lớn, anh chỉ còn biết ngồi chờ cơn sốt tiếp theo của địa ốc Hà Nội.
Theo ông Phạm Trung Hà, Tổng Giám đốc Hòa Phát Land, cơn sốt đất ở khu vực xa trung tâm giống như hiệu ứng vết dầu loang khi giá đất nội thành bị đẩy lên quá cao. Khi thị trường lên cơn sốt, nhiều người có cảm giác kiếm tiền dễ dàng nên lực lượng đầu tư vào bất động sản càng đông. Trong số đó phải kể đến giới công sở có lượng tiền nhàn rỗi không nhỏ và khả năng tiếp cận thông tin qua truyền thông rất nhanh.
"Tuy nhiên, những người dân nghiệp dư thường hiếm người hiểu rõ về bản chất cũng như diễn biến phức tạp của thị trường nên dễ gặp rủi ro hơn các nhà đầu tư chuyên nghiệp", ông Hà nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay, nguyên nhân gây sốt đất vừa qua chủ yếu đầu tư theo phong trào, tâm lý đám đông đặc biệt phải kể đến giới đầu cơ thổi giá, kích giá làm giá ảo. Theo ông Hà, mong muốn kiếm được lợi nhuận khi đầu tư vào đất đai của người dân là hoàn toàn chính đáng. Vấn đề là phải quản lý tốt để tránh ảnh hưởng đến quy hoạch, đến thị trường bất động sản và đời sống của chính người dân.
Hiện nay toàn bộ khu vực phía tây đang có dự kiến quy hoạch nhưng chi tiết vẫn còn nằm trên bàn nghị sự. Người dân khi mua bán, chuyển nhượng mà không phù hợp với quy hoạch chi tiết có thể dẫn đến tiền mất tật mang. "Trước khi mua bán, người dân cần xem xét cơ hội, cân nhắc kỹ để đầu tư cho hiệu quả", ông Hà nhận định.
Hoàng Lan



Ùn tắc 2 km vì rào chắn đường thi công cầu cạn Pháp Vân
Sáng nay các phương tiện đi qua đoạn xây cầu cạn Pháp Vân (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã bị ùn tắc kéo dài 2 km. Hàng nghìn ôtô, xe máy nối đuôi nhau nhích từng chút giữa trời mưa.
Dòng người hỗn loạn trong cảnh ùn tắc giao thông, không có bóng cảnh sát giao thông phân luồng. Ảnh: Đoàn Loan.

Vừa ngồi chờ thông đường, anh Kiên, một cán bộ xây dựng, vừa tranh thủ gọi điện đến cơ quan xin phép đến muộn vì tắc đường. Theo anh Kiên, hằng ngày các phương tiện qua ngã tư cầu Đại Từ, khu vực đang thi công cầu cạn Pháp Vân, luôn chịu cảnh ùn tắc vào giờ cao điểm buổi sáng, song sáng nay bị ách tắc lâu nhất.
Giữa đám khói xe, chị Dung, một người sống ở khu đô thị Linh Đàm, cho biết, từ 6h sáng nay, các loại xe đã bị ùn ứ trong khi đó không có bóng cảnh sát giao thông phân luồng. “Ngày thường, tuyến này cũng rất hiếm cảnh sát giao thông phân luồng nên dễ xảy ra ách tắc. Các buổi sáng đi qua đoạn này như bị hành xác”, chị Dung nói.
Theo ghi nhận của VnExpress.net, từ sớm nay, hàng nghìn chủ phương tiện qua nút giao thông cầu Đại Từ đã phải đứng dưới mưa. Không có lực lượng cảnh sát và thanh tra giao thông phân luồng khiến các chủ xe phải tự xoay xở giữa đám đông hỗn loạn. Khoảng 9h30, sau 3 tiếng ùn tắc, nút giao thông này mới dần thông thoáng trở lại.
Đoạn đường xây cầu cạn Pháp Vân luôn đông đúc bởi đây là tuyến huyết mạch từ các tỉnh phía nam đi về phía tây và bắc thành phố Hà Nội. Từ khi đoạn vành đai 3 nối Thanh Xuân tới khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai) thông xe, phương tiện qua lại ngày càng tăng.
Tình trạng ùn tắc đặc biệt hay xảy ra kể từ khi xuất hiện công trường xây dựng cầu cạn Pháp Vân, đơn vị thi công rào chắn hơn 2/3 chiều rộng mặt đường. Trong khi đó, điểm nóng này luôn thiếu lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng.
Trao đổi với VnExpress.net sáng nay, ông Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, cho biết, tình trạng ùn tắc kéo dài tại ngã tư cầu Đại Từ sáng nay là do trời mưa lớn và do đầu tuần, lượng phương tiện giao thông gia tăng.
“Hằng ngày khu vực này đều có cảnh sát giao thông, có thể anh em chạy đâu đó để phân luồng”, ông Ngọc nói.
Đoàn Loan



Xuất cảnh mang lậu gần 52.000 USD
Quy định mỗi người chỉ mang tối đa 7.000 USD không cần khai báo, nhưng ông Trương Johnny Thanh (quốc tịch Mỹ) và ba con ruột để trong hành lý gần 80.000 USD trên chuyến bay từ TP HCM sang Singapore.
Làm thủ tục xuất cảnh chiều 19/6, ông Trương Johnny Thanh bị hải quan sân bay Tân Sơn Nhất nghi vấn.
Tiền vi phạm bị tạm giữ. Ảnh: Lệ Chi

Hải quan phát hiện vị khách này mang theo một lượng tiền trị giá gần 80.000 USD (gồm 100.000 đôla Singapore và 10.000 USD) để trong túi xách tay. Số tiền trên không được khai báo hải quan. Ông Trương Johnny Thanh cũng không xuất trình được giấy phép của Ngân hàng Nhà nước về số tiền trên.
Theo quy định, mỗi người khi xuất nhập cảnh chỉ được mang tối đa 7.000 USD (bốn người là 28.000 USD) mà không cần phải khai báo. Hải quan sân bay đã trả lại ông Thanh cùng ba con ruột đi cùng chuyến bay số tiền 28.000 USD, tạm giữ 52.000 USD (tương đương gần một tỷ đồng).
Lệ Thanh
-------------------------
Viettin: Với 80,000 đô la, nếu chuyển qua dịch vụ tại Vietnam nhận tại Mỹ, chỉ tốn khoảng 1000 tới 1500 đô la. An toàn hơn cầm theo bên mình, để rồi bị mất trắng 52000 đô.

No comments:

Post a Comment