Wednesday, May 5, 2010

Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Văn Miếu tại Hà Nội, nơi tượng trưng cho Nho học Việt Nam, được xây dựng dưới đời vua Lý Thánh Tông vào mùa thu, tháng tám, năm Canh Tuất (1070). Đồng thời, tượng của Khổng Tử và bốn đồ đệ giỏi nhất của ông cũng được tạc và thờ tại đây. Sáu năm sau (1076), vua Lý Nhân Tông lại lập thêm Quốc Tử Giám để làm nơi dạy học. Thoạt đầu, đấy chỉ là nơi học tập của các hoàng tử, dần dần về sau mở rộng ra đến con quan và con dân.

Sang đời nhà Trần, vào năm 1243, Văn Miếu và Quốc Tử Giám được sửa sang lại. Đến đời nhà Lê là một nước trọng Nho, xem Nho giáo như là quốc giáo, thì Văn Miếu và Quốc Tử Giám lại càng được chú trọng hơn nữa. Kiến trúc này được trùng tu cả thảy 4 lần vào các năm 1511, 1567, 1762, 1785, và nhiều công trình mới được thực hiện, trong đó có bia đá đề tên Tiến Sĩ.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, tại đây, hàng ngũ trí thức "rường cột" của đất nước được đào tạo từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Nhiều nhân tài đã xuất thân từ đấy và đã có nhiều cống hiến to lớn. Đó là nhà sử học Ngô Sĩ Liên, Phan Huy Ích, nhà bác học Lê Quý Đôn, Phùng Khắc Khoan, nhà chính trị Ngô Thì Nhậm, Phạm Công Trứ...

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một biểu tượng sâu sắc cho tinh hoa của lịch sử và văn hóa Việt Nam.

No comments:

Post a Comment