Tuesday, May 4, 2010

Đỗ Ngọc Bích đổ lỗi cho BBC Việt ngữ!

Đã hơn 2 tuần kể từ ngày một bài viết của tôi được đăng trên website của Ban Việt ngữ đài BBC, gây nên một cơn bão trong giới học thuật Việt Nam và lòng yêu nước của hàng triệu người dân Việt. Giờ đây, tôi mới có đôi phút ngồi tĩnh tâm để chia sẻ vài lời chân thành với chính mình, và với các độc giả.
Mọi việc bắt đầu từ một lần tôi được hân hạnh mời ăn tối cùng các giáo sư và sinh viên chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á ở Đại học Yale. Câu chuyện hôm ấy có lúc đề cập đến học giả Trần Trọng Kim. Ông được họ nhắc tới với thái độ rất khâm phục và trân trọng khiến tôi thấy mình có vẻ hết sức dốt nát, lạc lõng.

Ngày hôm sau, tôi tra cứu và tìm cái tên Trần Trọng Kim trong danh mục sách thư viện, và thấy hiện ra 16 đầu sách do ông viết. Trước đó, lần cuối cùng tôi cầm một cuốn sách lịch sử Việt Nam là vào năm 1991, khi học môn “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, và tôi nhớ là mình chỉ biết đến nhân vật này qua cụm từ “chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim” chứ đâu có biết ông là một học giả lỗi lạc như vậy? Tôi cảm thấy tức giận như đã bị lừa, hổ thẹn vì mình kém hiểu biết lịch sử Việt Nam hơn nhiều người nước ngoài khác, và tinh thần dân tộc của tôi bị xúc phạm.

Nhân một dịp rảnh rang trong kỳ nghỉ xuân, tôi ngồi xem bài của mấy blogger Việt Nam nổi tiếng trên Facebook, VOA tiếng Việt, và một số bài lấy từ BBC Việt ngữ, cùng hàng trăm nhận xét. Lời lẽ phê phán chính phủ và giới lãnh đạo Việt Nam có vẻ rất nặng nề, nghiệt ngã, nhiều người tỏ ra rất cảm tính, khiến tôi nghĩ họ có định kiến rõ rệt với nhà nước cộng sản và dường như thù hận Trung Quốc thái quá. Tôi cảm thấy có gì đó không ổn và bắt đầu suy nghĩ.

Hoàn toàn theo phản xạ tự nhiên, tôi viết một bức điện thư cho một người bạn làm bên BBC tiếng Việt, bộc bạch tâm sự của mình về thái độ thù hận Trung Quốc cực đoan, tình hình các blogger bị mắc vì vấn đề chính trị trong nước, đồng thời đưa ra một loạt câu hỏi về những thông tin lịch sử mà phần đông học sinh, sinh viên Việt Nam (trong đó có tôi) được tiếp nhận ở trường trong những năm giáo dục bậc phổ thông và đại học.

Rất nhanh, anh bạn tôi trả lời, bảo rằng ý kiến của tôi có nhiều điểm đáng chú ý, có thể đem ra suy nghĩ và bàn luận, và yêu cầu tôi biên tập lại đôi chút để biến thành một bài viết cho BBC Việt ngữ.

Tôi chưa từng viết báo trong đời, nên ý nghĩ đầu tiên của tôi là từ chối vì tôi đang quá bận với luận án của mình và cuộc sống ở đây. Thêm nữa, bài viết liên quan tới nhiều vấn đề không thuộc chuyên môn của tôi. Tôi trả lời anh rằng, để viết một bài tử tế mất nhiều thời gian đọc thêm để trích dẫn cho chính xác và khoa học, thôi bỏ qua nó đi.

Anh bạn tôi lại khuyến khích rằng không cần viết bài mang tính học thuật quá, chỉ là đưa ra một luận điểm “trái chiều,” mang tính phản biện, để rộng đường thảo luận mà thôi.

Vài tuần sau, tôi gửi anh bài viết, chỉ chỉnh sửa rất ít từ nội dung bức điện thư, với lời dặn: “Em không muốn tên tuổi bị chú ý. Bài này chỉ để các anh tham khảo cũng được, và phải biên tập chỉnh sửa lại nếu đăng lên. Em cũng không có thời gian tham gia diễn đàn hay trả lời đâu.” Nhưng trong thực tế, rõ ràng sự việc đã khác hẳn. Chẳng lẽ anh nghĩ tôi nói đùa?

Trưa thứ bảy ngày 17/4, tôi nhận được e-mail ngắn gọn: “Bài của em lên rồi nhé” cùng với đường dẫn đến bài viết. Ngó qua một giây, tôi phì cười, ông anh “bốc” mình kinh quá: “Học giả nghiên cứu về Việt học? Tiến sĩ từ Đại học Yale?” Phải góp ý để đính chính lại thôi, nhưng đang cuối tuần, lại ở mục Diễn đàn chứ không ở trang chính, chắc mọi người ít để ý. Cứ để đấy, qua hai ngày cuối tuần đã.
Cả ngày thứ bảy tôi cho con đi chơi và ăn BBQ ở nhà thầy giáo dạy tiếng Việt của Yale đến tối mới về. Ngày chủ nhật thì đi chợ, đi công viên, ung dung làm việc nhà đến buổi tối mới vào mạng.

Đọc đến đây, chắc nhiều người giơ tay kêu trời: trong lúc bao nhiêu người sôi sục lên vì “nó” mà “nó” dám ung dung đủng đỉnh coi như không phải việc của mình thế à? Đồ vô trách nhiệm! Vâng, tôi xin nhận.

Đúng là tôi vô trách nhiệm vì không hề ngờ rằng thời đại thông tin khiến mọi người tìm ra và để tâm đến một bài viết nhỏ – thể hiện suy nghĩ cảm tính, cá nhân – nhanh và nhiều đến vậy. Rõ là ngây thơ!
Tối chủ nhật, đọc lại bài của mình, tôi rất “choáng” vì thấy BBC không những đưa sai thông tin về cá nhân tôi, mà còn chẳng biên tập, chỉnh sửa gì hết, ngoại trừ việc đặt nhiều câu chữ trong dấu nháy kép làm tăng độ kịch tính, trích dẫn lại câu ra ngoài, sửa mấy lỗi đánh máy và trưng cái tít (mà tôi không hề viết) lên ngay đầu tiên: “Một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và Việt học tại Hải ngoại cảnh báo về tinh thần dân tộc ‘mù quáng’ ở người Việt”, khiến bài viết trở nên ngông nghênh, kiêu ngạo hơn cái mà nó có.

Câu nói của danh hài Mỹ Groucho Marx: “I don’t want to belong to any club that accepts people like me as a member” rất đúng với tâm trạng của tôi lúc đó. Tạm dịch là: “Tôi không muốn tham gia câu lạc bộ nào mà lại chấp nhận một người như tôi là thành viên,” hay có thể hiểu là nếu BBC nhận đăng cái bài như thế của tôi lên (ở dạng nguyên thủy mà tôi gửi đi), thì BBC cũng có… vấn đề!
Bài trả lời của tôi có lẽ còn khiến nhiều người càng tức hơn. Tôi đã viết nó trong sự thúc giục gấp gáp của bên BBC, trong trạng thái thiếu bình tĩnh, cảm thấy bị tổn thương, hiểu lầm, với phản xạ của một kẻ đang bị tấn công, nên nó đã không thể hiện được ý tôi muốn diễn đạt và do đó, không đạt được kết quả cần thiết đối với tôi và độc giả.

Nhưng, một lần nữa, BBC cũng không có ý kiến gì, chỉ đăng nguyên xi nó lên!

Trong câu chuyện này, chắc chắn BBC Việt ngữ có nguyên tắc và cách suy nghĩ riêng của họ mà tôi không được biết trước. Họ có vẻ rất dân chủ và tự do. Nếu như tôi biết là họ sẽ không biên tập gì về nội dung bài viết của mình, thì hoặc là tôi đã không gửi bài, hoặc là đã bỏ rất nhiều thời gian đọc, trau chuốt, và tự hoàn thiện bài viết (nhiều khả năng là lựa chọn thứ nhất, vì tôi vốn đã rất ít thời gian).

Suy nghĩ lại, một số ý kiến của tôi, có lẽ chỉ thích hợp trong trao đổi cá nhân, chứ đưa lên diễn đàn BBC thì hết sức trớ trêu và vô ý.

Những câu như “Việt Nam suốt hơn 2.000 năm từ thời Triệu Đà đến thời Nguyễn, cho dù thỉnh thoảng có tuyên bố ‘Sông núi nước Nam, Vua Nam ở,’ thì Việt Nam vẫn luôn là một phần của Trung Quốc” hay “Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha… từ Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, hay Lý Công Uẩn, rồi các gia tộc họ Trần, Lê, Nguyễn” hay đưa ra câu hỏi các blogger đã đọc nguyên bản Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu chưa (trong khi cuốn này đã thất truyền, chỉ còn 19 đoạn trích mà tôi biết được đưa lại trong cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên), hay cách dùng từ da thịt… là hết sức liều lĩnh và sai lầm, hoặc ít ra là cần có những dẫn chứng rất rõ
ràng (điều mà tôi đã bỏ qua).

Vì đã từng đọc nhiều bài viết mang tính học thuật của người bạn biên tập viên BBC, tôi không ngờ là anh lại “để yên” cho những câu như vậy.

Lại nhớ đến một việc xảy ra cách đây gần chục năm, khi tôi nói chuyện với một giáo sư người Mỹ gốc Nhật Bản dạy môn “Asian American Experience” (tạm dịch là “Trải nghiệm lịch sử của người Mỹ gốc Á”). Tôi ngạc nhiên khi thấy cô đưa cuốn “Monkey Bridge” của Lan Cao, một nhà văn Mỹ gốc Việt, vào danh sách giáo trình đọc cho môn này.

Cuốn sách đó có khá nhiều sai lầm cả về dữ kiện và quan điểm (chẳng hạn như chi tiết Việt Nam nằm ở phía Nam xích đạo, hay Việt Nam chưa bao giờ có ý đồ thống trị các nước láng giềng – và một số chi tiết nữa mà các nhà phê bình Mỹ đã chỉ ra, thiết nghĩ không cần nhắc lại). Ngạc nhiên hơn là giáo sư đó không hề nao núng khi nghe ý kiến của tôi, và nói ngay: “Sách hay hay dở, đúng hay sai, chỉ quan trọng một phần. Cái quan trọng hơn là nó tạo ra một ngữ cảnh để sinh viên suy nghĩ, thảo luận, phê phán.” Có lẽ đó cũng là quan điểm của BBC (mà tôi không biết) chăng?

Có ai đó hỏi tôi có ý đồ biện hộ, hay tố cáo, hay cảnh báo về tính chất quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay. Xin thưa, tôi chỉ muốn nói lên hai quan điểm: 1) Trong thời đại kinh tế toàn cầu, tất cả mọi quốc gia đều ít nhiều phải phụ thuộc vào nhau để tồn tại và phát triển, vậy có lẽ chúng ta nên kìm hãm sự thù hận, dùng biện pháp ngoại giao ôn hòa, thay vì quá chú trọng đến cái “tôi” và chủ nghĩa dân tộc cực đoan; 2) Mọi người dân, đặc biệt là giới trẻ (vì họ sẽ là thế hệ lãnh đạo sau này), đều có quyền được tiếp cận thông tin trung thực về lịch sử để có thể tham gia vào chính trị, thời cuộc, và có những quyết định, nhận thức đúng đắn.
Rất tiếc, hai quan điểm ấy của tôi, vì nhiều lý do mà cái chính là do cách diễn đạt không được rõ ràng, đã không tới được bạn đọc như tôi mong muốn.

Mắng tôi là ngu, dốt, liều, vô trách nhiệm, đều đúng cả, nhưng bảo tôi gian dối thì tôi dứt khoát không nhận.

CV tôi gửi BBC ghi rõ phần học vấn “ABD, American Studies, University of Hawaii at Manoa”, nơi cư trú là New Haven, Connecticut, công việc đang làm là giáo viên tiếng Việt và biên dịch. Từ 4 tháng nay, tôi có tên trong bảng lương của Đại học Yale cho những công việc này.

Có người nói “dăm ba cái job lẻ tẻ dạy kèm tiếng Việt với dịch thuật mà cũng gắn mác trường Yale vào.” Xin được nói thêm cho rõ: một phần, đây là do cách làm việc của BBC Việt ngữ (tôi không hề yêu cầu họ đưa thông tin về tôi, trên cương vị người viết bài), và một phần là bởi tôi tự thấy tôi đã làm công việc dạy tiếng Việt của mình theo đúng nghĩa “giáo viên”(8 giờ/tuần) chứ không đơn giản chỉ là dạy kèm giao tiếp qua loa như Tây ba lô ở Việt Nam.

Tôi rất mất công chuẩn bị, tìm tư liệu đọc, nghe, nhìn bằng tiếng Việt chuyên ngành Tâm lý học và Kinh tế môi trường cho hai sinh viên của mình, và áp dụng các phương pháp sư phạm dạy ngoại ngữ mà tôi có được từ kinh nghiệm dạy tiếng Anh từ xưa, có giáo án và báo cáo nộp hàng tuần, có ra bài tập, bài luận, và sửa chữa góp ý, với trách nhiệm như một giáo viên thực sự.

Những ai vội vàng kết tội tôi “mạo danh” hay “lừa” đều thiếu công bằng, nhưng tôi hiểu rằng trong hoàn cảnh thông tin không được rõ ràng từ phía BBC Việt ngữ, khi nghĩ như vậy, rất có thể họ đã bị ảnh hưởng bởi thành kiến đối với nội dung bài viết và quan điểm rất khó chấp nhận của tôi.

Dầu sao đi nữa, câu chuyện đã xảy ra cũng là một bài học, khiến tôi ý thức hơn được rằng, trong những vấn đề nhạy cảm, đụng chạm đến tâm thức và lòng tự hào dân tộc, phải có cách diễn đạt, thể hiện chín chắn hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn đọc đã để tâm và nhắc nhở sau khi xem bài viết nhỏ của tôi.

Theo Bút Lông site

P/S: Tình cờ 1 friend gửi cho BL bài này nói là của ĐNB đăng trên FB ngày 2-5 (tức 3-5 theo giờ VN). BL post lại cho bạn đọc tham khảo!


1 comment:

  1. Ngụy biện!!!
    Lấy dân tộc mình để dưới dép giặc tàu mà còn gọi là: "tạo ra ngữ cảnh"!

    ReplyDelete